Dự tại điểm cầu thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng; Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng; các đại biểu Quốc hội thành phố và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Tại Tờ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình, cụ thể như: Tăng bội chi ngân sách nhà nước để có nguồn thực hiện chương trình với số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023. Trong đó, năm 2022 khoảng 102.000 tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước lên 5,08% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã được Quốc hội thông qua).
Đối với năm 2023, Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước chung cho cả phần tăng thêm của Chương trình phục hồi của năm 2023, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định hiện hành.
Thảo luận nội dung này, các đại biểu Quốc hội đánh giá đây là những chính sách rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu của tình hình trước những tác động hết sức nặng nề đối với nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Đại biểu Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Đại biểu nhấn mạnh: Việc hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh là vô cùng cần thiết và kịp thời. Đặc biệt, tán thành mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh tại khoản 3 Điều 2 dự thảo Nghị quyết. Theo đó các giải pháp đưa ra tại Điều 3 cũng cần phải chú trọng đến việc củng cố, nâng cấp, trang bị cho các tổ chức để chăm sóc, giúp đỡ cho các nhóm đối tượng này.
Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị bổ sung Điểm b Khoản 1 Điều 3 Dự thảo Nghị quyết nội dung về trợ giúp pháp lý, cụ thể như sau: “xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người yếu thế và đối tượng chính sách…”.
Ở khía cạnh phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, đại biểu Lã Thanh Tân đề xuất trong việc triển khai thực hiện Chương trình sau khi Nghị quyết được thông qua như sau: Với mục tiêu khôi phục chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng của Chương trình, vai trò của Nhà nước là làm cho nguồn lực của xã hội được sử dụng có hiệu quả nhanh nhất, do vậy, việc triển khai hỗ trợ của chương trình này cần có sự khác biệt với các hỗ trợ hiện có.
Mặt khác, mục tiêu của Chương trình là phục hồi kinh tế sớm và hiệu quả, chứ không phải là giải cứu các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Vì vậy, đối với doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu phục hồi nhanh và phát triển, đại biểu đề xuất giải pháp là: Chính phủ lựa chọn, tập trung nguồn lực cho những doanh nghiệp có đủ sức khoẻ, có khả năng làm ra nhiều sản phẩm hoặc tạo ra nhiều việc làm mong muốn cho xã hội trong thời gian sớm nhất. Để làm được việc này, cần lựa chọn doanh nghiệp có sức khoẻ tốt, hỗ trợ kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp bật dậy bằng năng suất, tạo ra nhiều việc làm và sản phẩm nhất. Từ đó tạo giá trị đóng góp vào GDP và ổn định cuộc sống cho người lao động. Như vậy Chương trình hỗ trợ sẽ có cơ hội thu hồi vốn cao nhất.
Đồng thời, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp khoẻ này sẽ kéo theo sự phục hồi dần của các doanh nghiệp khó khăn hơn. Ở đây cũng cần làm rõ thêm: doanh nghiệp có sức khoẻ tốt nhất không có nghĩa là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất hay to nhất, mà những doanh nghiệp này có thể là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, miễn là doanh nghiệp có các chỉ số sức khoẻ lành mạnh.
Các chỉ số sức khoẻ này cần được Chính phủ nhanh chóng công bố và đưa ra công khai, kèm theo các thủ tục xác định hỗ trợ rõ ràng, minh bạch và nhanh gọn.
Đồng thời với việc đáp ứng các chỉ số sức khoẻ thì các tiêu chí doanh nghiệp phải đạt được sau khi được hỗ trợ cũng cần đặt ra như: Tiêu chí về sản phẩm (ví dụ: tỷ lệ tăng sản phẩm xuất khẩu sau 6 tháng nhận hỗ trợ) hoặc tiêu chí về việc làm (ví dụ: tỷ lệ tăng việc làm sau 6 tháng nhận hỗ trợ)…
Những tiêu chí này là thước đo đánh giá hiệu quả hỗ trợ, tạo thêm động lực để các doanh nghiệp theo đuổi chương trình hỗ trợ, cũng như có trách nhiệm với sự phục hồi và phát triển chung của nền kinh tế.
Hoàng Tùng
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Sáng 20/12, thông tin từ Công an huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện vừa…
Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…
Ngày 20/12, thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Sở…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More