Print Thứ Tư, 27/10/2021 14:22 Gốc

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 27/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.

Dự tại điểm cầu thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng; Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; các đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng và các đại biểu khách mời: Lê Anh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố; lãnh đạo Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Hải Phòng.

Dự thảo các Nghị quyết được xây dựng dựa trên 5 quan điểm. Trong đó, một nguyên tắc quan trọng là các cơ chế đặc thù phải được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; có tác động lan tỏa vùng miền; gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo. Ngoài ra, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương theo quy định của Hiến pháp; không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền của địa phương…

Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Thừa Thiên Huế với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Nghệ An với 6 cơ chế chính sách và tỉnh Thanh Hóa với 8 cơ chế chính sách.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành với việc ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế. Theo các đại biểu, việc này sẽ thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương này. Việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, nhất quán sẽ tạo cơ chế, chính sách cho các địa phương này có thêm tiềm năng, lợi thế, có thêm nguồn lực, tạo đòn bẩy để phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, tạo sự lan tỏa đến các địa phương khác trong vùng.

Các đại biểu nêu rõ, cả 4 tỉnh, thành phố này đều có nghị quyết riêng của Bộ Chính trị, đây là điều kiện cần và cùng với nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù sẽ là điều kiện đủ để phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương. Các đại biểu cũng nhấn mạnh về những lợi thế, điểm mạnh của 4 tỉnh, thành phố. Trong đó, thành phố Hải Phòng là địa phương có tốc độ tăng trưởng rất cao những năm qua, cả về thu ngân sách, khu vực đầu tư; thành phố đang phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp mới, là động lực tăng trưởng của cả nước, là thành phố kiểu mẫu của cả nước.

Đại biểu Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng nhất trí với các Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây thực sự là những cơ chế, chính sách cần thiết để các địa phương này tạo nguồn lực, tạo sự phát triển đột phá cho địa phương và cả vùng kinh tế.

Đại biểu Lã Thanh Tân nhấn mạnh, đối với Hải Phòng, việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết là nhằm thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, các mục tiêu đặt ra cho Hải Phòng là rất lớn, cần có một cơ chế, chính sách đặc biệt để thực hiện. Các cơ chế, chính sách được đề xuất trên quan điểm Hải Phòng phát triển không chỉ cho riêng mình, mà cao hơn là vì sự phát triển chung của cả nước, tạo động lực phát triển của vùng Bắc Bộ; thực hiện được lời căn dặn của Bác Hồ cách đây 75 năm khi lần đầu tiên Nhân dân Hải Phòng được đón Bác, ngày 20/10/1946, Bác nhấn mạnh: “Hải Phòng sẽ trở nên thành phố gương mẫu của nước ta”.

Đại biểu nêu rõ, những năm qua, Hải Phòng đã có sự phát triển mạnh mẽ, bứt phá, là điểm sáng của cả nước trong phát triển kinh tế-xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn ở mức 2 con số, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung cả nước. Mặc dù kinh tế-xã hội thành phố đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng và thu ngân sách cả nước ngày càng tăng song lại chưa thực sự có cơ chế, chính sách đặc thù nổi trội để tạo động lực phát triển thành phố. Do đó, Hải Phòng rất cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho xây dựng, phát triển. Các cơ chế, chính sách đề xuất cho Hải Phòng đã được Quốc hội cho phép áp dụng tương đồng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Đại biểu Lã Thanh Tân cũng nêu, thành phố Hải Phòng có đề xuất về cơ chế, chính sách phát triển Khu thương mại tự do. Đây là đề xuất đột phá, thể hiện tinh thần quyết tâm của Chính phủ và thành phố Hải Phòng.

Hiện nay, khái niệm Khu thương mại tự do chưa được đề cập đến trong các văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, để thực hiện chủ trương này theo Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, trước hết cần xác định khái niệm về Khu thương mại tự do, cơ quan có thẩm quyền thành lập (phạm vi, ranh giới) và ban hành cơ chế, chính sách, nguyên tắc xây dựng cơ chế, chính sách áp dụng cho Khu thương mại tự do để làm cơ sở, căn cứ cho thành phố Hải Phòng và các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu, đề xuất cụ thể báo cáo cơ quan có thẩm quyền, xem xét quyết định.

Việc quy định hình thành Khu thương mại tự do là vấn đề quan trọng không chỉ dưới góc độ kinh tế mà còn liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội; không chỉ dừng ở phạm vi của cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà gắn với việc xây dựng các thể chế, thiết chế pháp luật có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng. Đồng thời, cơ chế, chính sách áp dụng cho Khu thương mại tự do sẽ có những quy định mới, có thể vượt lên trên các luật hiện hành như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, các quy định của pháp luật về thuế…

Vì vậy, sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua, thành phố Hải Phòng sẽ tích cực nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng, xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do, báo cáo Chính phủ để xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Hoàng Tùng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác