Về dự thảo Luật Đường bộ các đại biểu cho ý kiến về các nội dung trọng tâm như: phạm vi điều chỉnh, kết cấu hạ tầng đường bộ, đường bộ cao tốc, hoạt động vận tải, quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ, cùng các vấn đề khác.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân cơ bản tán thành với nhiều nội dung của Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ trình tại Kỳ họp này. Tại phiên họp, đại biểu đã góp ý cụ thể về một số nội dung tại Điều 5 của Dự thảo Luật. Theo đó, các vấn đề quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch về kết cấu hạ tầng đường bộ và hệ thống đường địa phương, đường đô thị cần tiếp tục phải làm rõ. Hiện nay vấn đề giao thông đô thị ở các địa phương đang phát sinh nhiều bất cập, do đó cần bổ sung quy định về tỷ lệ đất tối thiểu dành cho giao thông đường bộ tại các đô thị bao gồm đất dành cho xây dựng đường, vỉa hè, bến xe khách, điểm đỗ dừng đón, trạm trả khách cho xe bus…
Về hoạt động vận tải đường bộ, quy định tại khoản 5 Điều 56 về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của dự thảo là chưa đầy đủ. Đại biểu đề nghị xem xét, chỉnh lý quy định hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng ô tô để vận chuyển hàng hóa, hành khách cho người có nhu cầu vận chuyển hàng hóa hoặc có nhu cầu đi lại có thu tiền cước vận tải, kinh doanh vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giao Chính phủ quy định cụ thể điều này.
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, các đại biểu Quốc hội tập trung về các nội dung nội dung như phạm vi sửa đổi luật, quy định về hành vi bị cấm, tài sản đấu giá, tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, các quy định về đấu giá viên, quyền của tổ chức hành nghề đấu giá, chế tài xử lý vi phạm với trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá…
Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung vào khoản 2 Điều 1 của dự thảo luật về giải thích từ ngữ “cuộc đấu giá” để tạo thuận lợi cho việc hiểu và áp dụng các quy định của luật trong thực tế. Hiện nay có các cách hiểu khác nhau về cuộc đấu giá, có quan điểm cho rằng, cuộc đấu giá chỉ gói gọn tại thời điểm đấu giá viên điều hành việc trả giá. Quan điểm khác cho rằng, cuộc đấu giá gồm toàn bộ các trình tự, thủ tục mà tổ chức đấu giá chuyên nghiệp, đấu giá viên phải thực hiện từ khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị ký hợp đồng dịch vụ đấu giá từ người có tài sản đến khi lập xong biên bản đấu giá, vì vậy cần có quy định rõ ràng để triển khai thống nhất.
Tại điểm d khoản 19 Điều 1 dự thảo luật đã sửa đổi bổ sung khoản 3 Điều 34 Luật Đấu giá tài sản, theo đó bổ sung nội dung tổ chức hành nghề đấu giá phải thông báo công khai trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, quy chế cuộc đấu giá cùng với việc thông báo công khai việc đấu giá tài sản quy định tại Điều 57 của luật. Đại biểu đề nghị cân nhắc nội dung này, vì theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 35 và Điều 57 của Luật Đấu giá tài sản hiện hành, thông tin về tài sản được niêm yết và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản của Bộ Tư pháp, các quy định này đã đầy đủ, đảm bảo tính công khai minh bạch và được thực hiện một cách thống nhất.
Hơn nữa, những nội dung chủ yếu của quy chế đã có trong thông báo đấu giá; đồng thời khi khách hàng biết được thông tin về việc đấu giá đến tham khảo mua hồ sơ đấu giá cũng sẽ được nghiên cứu quy chế cuộc đấu giá được niêm yết tại trụ sở của tổ chức hành nghề đấu giá và kèm trong hồ sơ đã được quy định bổ sung tại Điều 4 của Luật Đấu giá tài sản…
Đại biểu cũng cho biết, dự thảo luật bổ sung quy định những người không được đăng ký tham gia đấu giá, tuy nhiên trên thực tế rất khó thực hiện bởi khi tổ chức cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá chuyên nghiệp không thể biết hết quan hệ trong gia đình trong số những người tham gia đấu giá là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột… và không có điều kiện để xác minh các thông tin nói trên.
Mặt khác, việc sở hữu tài sản chung của vợ chồng đã được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình, cha mẹ với con, anh chị em ruột đều có năng lực hành vi dân sự riêng, độc lập với nhau về tài sản. Đại biểu đề nghị cân nhắc việc đưa nội dung này vào dự thảo luật; nếu đưa nội dung này vào dự thảo Luật Đấu giá tài sản cần có cơ chế để thực hiện, đảm bảo tính khả thi trong thực tế, cũng như đảm bảo quyền của cá nhân khi tham gia đấu giá.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị làm rõ thế nào là “có khả năng chi phối hoạt động” vì quy định này mang tính định tính và rất khó xác định trong thực tế…
Ý kiến của các đại biểu Quốc hội được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật và hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua./.
Phương Mai
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More