Print Thứ sáu, 10/05/2019 15:23

Thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) Việt Nam được cho là sôi động và cạnh tranh khốc liệt bậc nhất tại khu vực Đông Nam Á. Thị trường này hiện có sự góp mặt của khoảng 20 thương hiệu chủ yếu đến từ nước ngoài, và thị phần cũng chủ yếu do các tập đoàn nước ngoài nắm giữ.

Qui mô thị trường khoảng 100.000 tỉ đồng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong khoảng thời gian từ tháng 1-11.2018, kim ngạch nhập khẩu ĐTDĐ và linh kiện ở mức 14,4 tỉ USD.

Trước đó, một con số thống kê khác vào quí I/2017, người Việt chi ra gần 20.000 tỉ đồng để nhập khẩu ĐTDĐ.

Thị trường ĐTDĐ Việt Nam trong vài năm trở lại đây giảm nhiệt, mức tăng trưởng được cho là chỉ khoảng trên dưới 10%. Kết năm 2018, theo số liệu nghiên cứu thị trường, thị trường Việt Nam có khoảng 25 chiếc ĐTDĐ được tiêu thụ gồm điện thoại tính năng cơ bản (Featurephone) và điện thoại thông minh (Smartphone). Trong đó, smartphone chiếm tỉ lệ hơn 50%. Tổng giá trị thị trường được cho là khoảng hơn 100.000 tỉ đồng, xấp xỉ 4 tỉ USD.

Như vậy, trong trường hợp ĐTDĐ bị đưa vào diện hàng hóa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thì tổng giá trị phải chịu thuế lên đến khoảng 4 tỉ USD nếu gộp chung cả thị trường và hơn 3 tỉ USD nếu chỉ tính riêng đối với smartphone.

Thị trường ĐTDĐ Việt Nam hiện nằm ở tốp trên trong khu vực Đông Nam Á (cùng với Indonesia và Thái Lan) cả về số lượng và giá trị tiêu thụ. Các dòng điện thoại có mức giá tầm trung từ 10 triệu đồng trở xuống vẫn có lượng tiêu thụ lớn nhất.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu về ứng dụng di động được công bố gần đây, Việt Nam đã có khoảng trên 72% dân số tiếp cận với smartphone. Nếu tính cả số người sử dụng loại điện thoại tính năng cơ bản thì tỉ lệ dân số sử dụng điện thoại tại Việt Nam còn cao hơn.

Kim ngạch xuất khẩu còn lớn hơn nhiều

Người Việt chi khoảng 100.000 tỉ đồng mua ĐTDĐ trong năm 2018 song con số này vẫn rất nhỏ bé nếu so với kim ngạch xuất khẩu ĐTDĐ và linh kiện từ Việt Nam.

Theo thống kê, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu ĐTDĐ và linh kiện của Việt Nam đạt 45,27 tỉ USD và năm 2018 tăng lên 49 tỉ USD, chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia.

Đóng góp lớn nhất vào kim ngạch xuất khẩu ĐTDĐ và linh kiện không ai khác chính là các nhà máy Samsung đầu tư tại Thái Nguyên, Bắc Ninh, đã biến Việt Nam thành một trong những “thủ phủ” sản xuất ĐTDĐ lớn nhất thế giới. ĐTDĐ xuất khẩu từ Việt Nam được bán ra tại hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Việt Nam đã trở thành một trong những “thủ phủ” sản xuất ĐTDĐ trên thế giới.

Mới đây, thông tin từ hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) cho biết, LG sẽ ngừng sản xuất smartphone tại Hàn Quốc và chuyển toàn bộ sang Việt Nam. LG có khu tổ hợp sản xuất công nghệ cao đặt tại Hải Phòng với tổng mức đầu tư được cho là sẽ đạt 1,5 tỉ USD. Lượng smartphone LG sẽ sản xuất tại Việt Nam có thể đạt 10 triệu chiếc vào quí II/2019.

Với sự gia tăng đầu tư FDI sản xuất ngành hàng này, Việt Nam khẳng định được vị thế ngày càng rõ nét hơn trên bản đồ sản xuất điện thoại trên thế giới. Và trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chưa có hồi kết, một số tập đoàn trong công nghiệp sản xuất ĐTDĐ toàn cầu cũng đang tính phương án di dời sang Việt Nam để tránh rào cản thuế quan từ cuộc chiến thương mại trên.

Thế Lâm
Theo Báo Lao động

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Qui mô thị trường điện thoại Việt trước đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác