Ngay sau khi phát hiện ổ dịch lợn tả châu Phi đầu tiên tại xã Yên Đức, thị xã Đông Triều, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành khoanh vùng và tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh.
Ngày 9/3, ngay sau khi phát hiện ổ dịch lợn tả châu Phi đầu tiên tại xã Yên Đức, thị xã Đông Triều, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành khoanh vùng và tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh tránh để bệnh dịch lây lan phát tán.
Trước đó, vào ngày 6/3, 1 trong tổng số 14 con lợn của gia đình bà Nguyễn Thị Làn, thôn Đức Sơn, xã Yên Đức có biểu hiện sốt, bỏ ăn. Tới ngày 7/3, đàn lợn của gia đình bà Làn đều đồng loạt mắc các triệu trứng sốt, bỏ ăn, táo bón.
Ngày 8/3, Chị cục Thú y đã lấy 4 mẫu phẩm gửi lên Chi cục Thú y vùng II (Hải Phòng) xét nghiệm. Tới 23 giờ 30 phút, ngày 8/3, kết quả xét nghiệm cho thấy 4 mẫu phẩm đều dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Ngay sau khi có kết quả, sáng 9/3, các lực lượng chức năng đã tiến hành khoanh vùng diện rộng, phun khử trùng, rác vôi bột xung quanh chuồng trại và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh trên.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, thị xã Đông Triều là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh xuất hiện ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi.
Trước đó, thị xã Đông Triều đã lập tới 6 chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh tả lợn châu Phi ở hoạt động 24/24 giờ. Tại những chốt đã lập, lực lượng liên ngành phối hợp kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ.
Các xe chở lợn khi đi qua đều được kiểm tra giấy tờ nguồn gốc xuất xứ, giấy kiểm dịch, dấu niêm phong, phun thuốc khử trùng tiêu độc.
Sau khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên trên địa bàn ở xã Yên Đức, thị xã Đông Triều, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh vừa ra công điện “hỏa tốc” chỉ đạo, tập trung nguồn lực khống chế dịch tả lợn châu Phi
Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Đông Triều (nơi xảy ra ổ dịch) khẩn trương tập trung huy động lực lượng, bổ sung vật tư, hóa chất, vắcxin…, thực hiện ngay các biện pháp bao vây, khống chế, dập tắc ổ dịch; tiêu hủy đàn lợn bị bệnh đảm bảo đúng quy định, thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của cơ quan thú y; thực hiện kiểm tra đến tận các hộ chăn nuôi trên địa bàn, phát hiện ổ dịch báo cáo ngay cho cơ quan thú y lấy mẫu xét nghiệm, xử lý triệt để đàn lợn; công bố dịch theo quy định của Luật Thú y.
Đối với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện thị khác, tỉnh yêu cầu cần khẩn trương triển khai thực hiện tình huống 2 (tình huống có dịch bệnh) theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dântỉnh để ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm địa bàn tỉnh; chủ động các giải pháp có hiệu quả, phù hợp với thực tế địa phương, thành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh theo thẩm quyền.
Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh, phân công cán bộ chuyên môn thường trực tại thị xã Đông Triều, nhằm phát hiện sớm các ổ dịch nghi ngờ lợn mắc dịch tả lợn châu Phi; phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan chỉ đạo kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc sử dụng thức ăn thừa không dùng hết của các bếp ăn, nhà hàng đảm bảo thức ăn dư thừa được xử lý nhiệt trước khi sử dụng để chăn nuôi.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tăng cường tuyền truyền về sự nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi một cách kịp thời, chính xác, tránh gây hoang mang cho người sản xuất, tiêu thụ lợn, vận động ngươi dân sử dụng các sản phẩm thịt lợn an toàn, có nguồn gốc xuất xứ và kiểm soát của cơ quan thú y…/.