Bộ chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2018 của các sở, ban, ngành, địa phương tỉnh Quảng Ninh vừa được công bố với 25 tiêu chí tương ứng với 5 tiêu chí cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công, bao gồm: Tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước; Thủ tục hành chính; Công chức giải quyết công việc; Kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công và tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị đã đánh giá kết quả phục vụ người dân, doanh nghiệp của các cơ quan quản lý nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương…
Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2018
Đây là năm thứ 6 liên tiếp Quảng Ninh tổ chức công bố Chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành, địa phương và là năm đầu tiên tỉnh thực hiện đánh giá, chấm điểm chỉ số CCHC đối với các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh.
Năm nay cũng là lần đầu tiên tỉnh thực hiện tích hợp điểm đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS) vào kết quả đánh giá Chỉ số CCHC. Chỉ số CCHC năm 2018 được đánh giá qua 7 chỉ số thành phần, bao gồm: Chỉ số công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; chỉ số cải cách thể chế; chỉ số cải cách thủ tục hành chính; chỉ số cải cách tổ chức bộ máy hành chính; chỉ số về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chỉ số về cải cách tài chính công; chỉ số hiện đại hóa nền hành chính. Riêng đối với các địa phương và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh có thêm chỉ số thành phần về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Kết quả, Chỉ số CCHC năm 2018 của các sở, ban, ngành, điểm trung bình đạt được là 87,21 điểm (tăng so với năm 2017 là 1,52 điểm). Trong đó, Sở Xây dựng là đơn vị đạt điểm cao nhất, đạt 91,37 điểm. Khối UBND các huyện, thị xã, thành phố có điểm trung bình là 88,83 điểm (tăng 3,6 điểm so với năm 2017); trong đó, có 5/14 địa phương đạt trên 90 điểm và nằm trong nhóm xuất sắc; 9/14 địa phương đạt trên 80 điểm và nằm trong nhóm tốt; không có đơn vị nào xếp loại khá. TP Hạ Long tiếp tục là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng với điểm đạt được là 93,17 điểm.
Biểu đồ Chỉ số CCHC năm 2018 của các sở, ban, ngành
Ở khối các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, điểm trung bình Chỉ số CCHC đạt được là 52,38 điểm, giá trị trung bình đạt được là 88,85%. Trong đó, Công an tỉnh là đơn vị đứng đầu bảng xếp hạng, đạt 94,53. Về Chỉ số SIPAS, năm 2018, tỉnh đã thực hiện điều tra đối với 20/20 sở, ban, ngành; 14/14 địa phương và 3/6 cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Việc điều tra đánh giá Chỉ số SIPAS được tỉnh thực hiện với 8.130 phiếu phát ra; số lượng phiếu thu về hợp lệ là 6.666 phiếu (tỷ lệ 81,99%); trong đó có 6.040 phiếu của người dân (chiếm 90,61%) và 626 phiếu của tổ chức (chiếm 9,39%).
Với số điểm trung bình khối sở, ngành tăng hơn 1,52 điểm, khối địa phương tăng 3,62 điểm so với năm 2017, có thể thấy sự cố gắng, quyết liệt hơn trong cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, sự bứt phá vượt bậc của nhiều sở, ngành, địa phương.
Cụ thể đối với khối sở, ngành, Sở Xây dựng đạt số điểm trung bình cao nhất 91,37 điểm và có 4/20 sở, ban, ngành đạt trên 90 điểm trở lên, không có sở, ngành nào đạt dưới 80 điểm. Đối với khối địa phương, TP Hạ Long dẫn đầu với điểm số 93,17 và có 5/14 địa phương đạt trên 90 điểm.
Năm 2019, Quảng Ninh quyết liệt triển khai thực hiện 2 con dấu ở cả cấp tỉnh và cấp huyện nhằm khép kín việc giải quyết thủ tục hành chính tại chỗ từ ký, đóng dấu, trả hồ sơ. Đây là một trong những giải pháp quan trọng chuyển đổi tư duy của cán bộ sang tinh thần phục vụ đem đến sự hài lòng của người dân.
Với những bước đi thận trọng, sáng tạo, đến nay Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng thể chế và thực hiện cải cách hành chính. Tỉnh đã đề xuất với Trung ương hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thông qua các đề án lớn.
Đặc biệt, thời gian gần đây, Quảng Ninh mạnh dạn vận dụng hình thức PPP trong đầu tư xây dựng, đã và đang triển khai 44 công trình, hạng mục lớn trên địa bàn được đầu tư theo hình thức này góp phần làm cơ sở thực tiễn để Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư.
Cùng với đó, tỉnh rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm những thủ tục hành chính không phù hợp, giảm 40% số thời gian giải quyết TTHC theo quy định; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 cho toàn bộ các cơ quan hành chính từ tỉnh đến cấp xã; xây dựng chính quyền điện tử và từng bước đào tạo công dân điện tử.
Tỉnh Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu trong thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh và 14 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc UBND. Tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đến giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh đạt trên 98%.
Triển khai Dự án xây dựng mô hình chính quyền điện tử, Quảng Ninh đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn FPT; tổ chức tham quan, học tập mô hình ở thành phố Liễu Châu, Trung Quốc và một số nơi trên thế giới; thành lập Ban Chỉ đạo và Ban quản lý điều hành Dự án xây dựng chính quyền điện tử.
Những năm gần đây, đón bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Quảng Ninh đã và đang chủ động, tích cực triển khai xây dựng thành phố thông minh và chính quyền số…
HẢI HẬU