Nhan nhản những hình ảnh, video quảng cáo với nội dung gây sốc, phản cảm đang “bùng nổ” trên các trang mạng xã hội để câu khách. Hầu hết quảng cáo này chưa được cấp phép và cũng không có cơ quan chức năng nào thẩm định chất lượng sản phẩm như quảng cáo. Người chịu thiệt cuối cùng vẫn là khách hàng do cả tin vào thông tin quảng cáo.
Quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo
Đặt hàng chiếc máy hút ráy tai từ một trang mạng xã hội với giá 500 nghìn đồng kèm theo lời cam kết hàng chính hãng, nhập khẩu từ Nhật Bản, có bảo hành 6 tháng. Nhưng khi nhận được hàng, chị Vũ Thị Tuyết, ở phố Trại Lẻ (quận Lê Chân) chỉ nhận được một chiếc máy vỏ nhựa ọp ẹp kèm theo một mẩu giấy có vài dòng chữ Nhật và Trung Quốc. Sản phẩm không có tem, phiếu bảo hành như cam kết. Hơn nữa, chất lượng sản phẩm chỉ dừng lại ở mức “hàng mã”, chị Tuyết thay pin mới nhưng máy chỉ phát ra được tiếng kêu ro ro. Cũng tin tưởng vào những lời quảng cáo, anh Nguyễn Văn Phi ở ngõ 310, phố Lê Lai (quận Ngô Quyền) đặt mua thiết bị chiếu đèn cảm ứng chuyển động với giá hơn 1 triệu đồng, nhưng chỉ sau 3 ngày hoạt động, sản phẩm bắt đầu trục trặc và hỏng hẳn chức năng cảm ứng sau 7 tuần. Hiện nay, trung bình mỗi tháng Hội bảo vệ người tiêu dùng thành phố tiếp nhận khoảng 30 thông tin, kiến nghị của người tiêu dùng về tình trạng này.
Lớp học chuyên biệt về quảng cáo trên mạng xã hội.
Không chỉ bán hàng chất lượng không tương xứng với quảng cáo, để thu hút khách mua, nhiều cửa hàng ảo trên mạng còn nghĩ chiêu thức “câu like” với những thông điệp kiểu giật gân như “Bán đồ da, giá tụt quần”, “Đàn ông thích ngắm vòng 3 và chơi đồ da”, “Tháng cô hồn giảm 20% hóa đơn cho khách hàng có “vong” theo”. Sau khi có nội dung quảng cáo, hàng hóa, chỉ với một chiếc thẻ tín dụng quốc tế đăng ký với đơn vị cung cấp dịch vụ trên trang mạng xã hội ở nước ngoài, những nội dung quảng cáo này thông qua mạng xã hội có thể tiếp cận tới hàng vạn người với thời gian nhanh chóng.
Chất lượng hàng hóa quảng cáo không bảo đảm, một số trang mạng xã hội như facebook, zalo còn quảng cáo sản phẩm thuộc diện bị cấm quảng cáo, thậm chí là cấm mua bán, trao đổi như tiền giả, kẹo chứa chất ma túy, pháo, mua bán động vật hoang dã…
Xây dựng cơ chế phối hợp từ Luật An ninh mạng
Tình trạng quảng cáo trên mạng xã hội hiện rất tràn lan, nhiều vi phạm quy định pháp luật, nhưng thực tế, công tác xử lý còn hạn chế. Chánh thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao Trần Kim Chung cho biết: Đối với hoạt động quảng cáo, cổ động, tùy thuộc vào không gian quảng cáo cũng như sản phẩm quảng cáo sẽ do một trong các ngành Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa… kiểm tra, xử ly. Chính việc nhiều đơn vị, nhiều ngành cùng quản lý, dẫn tới tình trạng khó xác định được trách nhiệm đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo và tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo trên mạng xã hội.
Mặt khác, các tài khoản quảng cáo sai quy định chủ yếu là tài khoản cá nhân, không lấy tên công ty, doanh nghiệp. Hơn nữa, việc quảng cáo, bán hàng trên các trang mạng xã hội theo hình thức liên tỉnh, nên việc tìm kiếm, xác định thông tin chính xác chủ tài khoản quảng cáo mất nhiều thời gian và đôi khi không đạt hiệu quả. Bởi vậy, cần có sự phối hợp giữa các ngành trong công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trên mạng xã hội. Anh Nguyễn Văn Trung, Công ty TNHH tin học 2K cho biết: Cơ quan chức năng cần tận dụng tiện ích bộ lọc từ khóa của công nghệ thông tin gần với những mặt hàng cấm quảng cáo để phát hiện những thông tin quảng cáo không đúng quy định. Đối với những nội dung quảng cáo sai phạm, không đúng sự thực cần được xử lý nghiêm, đồng thời thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để tăng tính răn đe.
Điều 7, Luật Quảng cáo 2012 quy định một số nhóm hàng hóa không được phép quảng cáo gồm: Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; thuốc lá; rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng; sản phẩm có tính chất kích dục; súng săn, vũ khí thể thao, hàng hóa có tính kích động bạo lực.
Hơn nữa, do hiện tại, hệ thống máy chủ các trang mạng xã hội chủ yếu đặt ở nước ngoài, dẫn tới việc cơ quan chức năng khó kiểm soát hoạt động, nội dung quảng cáo. Luật sư Đào Văn Bảy, Công ty TNHH Luật Thái Thành cho rằng: Khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, cần xây dựng cơ chế phối hợp, điều hành, thành lập hội đồng thẩm định sản phẩm giữa cơ quan chức năng và đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Tất cả quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, ngoài trời xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam, không gian mạng Việt Nam đều phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định pháp luật. Cùng với việc kiểm định chất lượng sản phẩm, cần lưu tâm tới các yếu tố văn hóa, phong tục tập quán trong nội dung quảng cáo, tránh gây phản cảm khi đăng tải.
Minh Tuấn – Báo Hải Phòng 11/09/2018