Ngày 13-6, thảo luận về Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã xoay quanh nhiều vấn đề như chức vụ đối với trưởng chỉ huy dân quân tự vệ khi có chiến tranh, chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ, dân quân tự vệ trên biển…
Dự thảo Luật gồm 8 chương, 50 Điều, kế thừa nhiều nội dung quy định của Luật Dân quân tự vệ hiện hành; và sửa đổi, bổ sung một số nội dung.
Quy định cụ thể với từng loại hình doanh nghiệp
Liên quan đến tổ chức Tự vệ trong doanh nghiệp (Điều 17), một số ý kiến cho rằng quy định như dự thảo Luật là khó khả thi. Một số đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ nội dung này theo hướng quy định cụ thể đối với từng loại hình doanh nghiệp cho phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đặt ra vấn đề tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong những doanh nghiệp này như thế nào? “Cấp chỉ huy, ban chỉ huy ở đây ra sao để đảm bảo vừa có chỉ huy trưởng, chính trị viên, chính trị viên phó, phó bí thư cấp ủy… Những vấn đề này chưa được xác định rõ trong dự thảo Luật, đề nghị ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu để đảm bảo tính khả thi của quy định này”, đại biểu nêu rõ.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, tổ chức kinh tế bao gồm doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên minh hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã; các tổ chức kinh tế thành lập theo Luật Đầu tư. Tuy nhiên, dự thảo Luật có quy định về đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp mà chưa có quy định về tự vệ trong các tổ chức kinh tế khác. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét, làm rõ nội dung này.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn, cần quy định rõ nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp thành lập đơn vị tự vệ khi doanh nghiệp có đủ các yếu tố chứ không phải quyền của doanh nghiệp. Vì tổ chức lực lượng tự vệ là yêu cầu của Nhà nước chứ không phải nhu cầu tự thân của doanh nghiệp.
Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu kỹ, bảo đảm tính khả thi, khắc phục những vướng mắc của Luật hiện hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật về quyền, nghĩa vụ của mình trong nền kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) dẫn ra khoản 1 Điều 9 của dự thảo luật quy định người đứng đầu doanh nghiệp có trách nhiệm đăng ký quản lý người lao động thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ để tổ chức tự vệ hoặc sẵn sàng mở rộng lực lượng dân quân tự vệ khi có yêu cầu.
“Như vậy, không phải tất cả người lao động và doanh nghiệp trong độ tuổi đều phải thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ ngay từ thời bình, chỉ tuyển chọn theo yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng quân sự, số còn lại làm nguồn mở rộng dân quân tự vệ là phù hợp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp tư nhân phát triển sản xuất, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 10 năm 2017, Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII”- ông Tùng nói.
Quan tâm hơn chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ
Đại biểu Hồ Văn Thái (Kiên Giang) đề nghị quan tâm hơn trong thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ vì phần lớn thành phần là nông dân lao động sản xuất không thoát ly, cuộc sống đa phần còn khó khăn, thiếu thốn.
Đại biểu Hồ Văn Thái (Kiên Giang)
Việc bảo đảm chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ nhằm bù đắp sức khỏe, ngày công lao động cũng như tính chất đặc thù hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, qua đó nhằm thu hút nguồn phục vụ cho lực lượng dân quân tự vệ.
Mặt khác, luật cũng cần có cơ chế thích hợp đối với các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện ổn định việc làm đối với người lao động vì đa phần lực lượng này ngoài thực hiện nhiệm vụ trong dân quân tự vệ họ còn phải bươn chải lao động, làm thuê ở các công ty, xí nghiệp kiếm thêm thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống.
“Khi được triệu tập tham gia huấn luyện hoặc làm nhiệm vụ, nếu như chủ doanh nghiệp không ủng hộ, tạo điều kiện thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thực tế này đã và đang diễn ra. Vì vậy, luật cần có cơ chế quy định phù hợp nhằm tạo hành lang pháp lý bảo đảm quyền lợi của người lao động, trong đó có lực lượng dân quân tự vệ”- đại biểu Hồ Văn Thái cho hay.
Quan tâm đến dân quân tự vệ trên biển
Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp là xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, thì cần bảo đảm điều kiện cho dân quân tự vệ nói chung và dân quân tự vệ trên biển nói riêng. Đại biểu tán thành với quy định về phụ cấp đặc thù đi biển đối với dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ trên biển; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực trên địa bàn biên giới, ven biển, đảo, trọng điểm quốc phòng. Theo đại biểu, việc này sẽ bảo đảm công bằng giữa các lực lượng, đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Quốc phòng năm 2018 và pháp luật có liên quan về chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang nhân dân.
Đồng quan điểm, đại biểu Hồ Văn Thái (Kiên Giang) đề nghị cần quan tâm hơn trong thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ, bởi theo đại biểu, lực lượng này phần lớn là nông dân, cuộc sống đa phần còn khó khăn, thiếu thốn. “Việc bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng này là để bù đắp sức khỏe, hồi sinh lao động và cũng phù hợp với tính chất đặc thù của lĩnh vực quốc phòng, bảo đảm lợi ích chính đáng cho lực lượng dân quân tự vệ, đồng thời qua đó thu hút nguồn lực trẻ”, đại biểu phân tích.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum).
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cũng cho rằng, quy định phụ cấp cho lực lượng dân quân tự vệ làm nhiệm vụ trên biển là cần thiết, phù hợp với tính chất hoạt động quân sự, quốc phòng. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, dân quân tự vệ biển có vai trò rất quan trọng trong đấu tranh bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh trên biển.
Đề nghị bổ sung nội dung chiến tranh trên không gian mạng
Trong khi đó, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phản ánh quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang rất sâu rộng và mở, nên lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng dân quân tự vệ nói riêng cũng phải điều chỉnh cho tương ứng.
“Tôi đề nghị bổ sung nguyên tắc phù hợp với chiến tranh hiện đại, phi truyền thống, vì hiện nay ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện chiến tranh phi truyền thống tức là chiến tranh thông tin, chiến tranh trên không gian mạng, sử dụng công nghệ cao, tác chiến điện tử mà luật chưa quy định, tôi đề nghị bổ sung”- ông Bình đề xuất.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh nội dung dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất, cụ thể, khả thi; rà soát các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của dân quân tự vệ; việc phân loại thế nào là dân quân, thế nào là tự vệ cũng cần phải quy định rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo quy định cụ thể về tổ chức, biên chế, vũ khí trang bị của lực lượng dân quân tự vệ, vấn đề mở rộng lực lượng dân quân tự vệ, tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, làm rõ hơn các quy định về ban chỉ huy quân sự cấp xã, tính tương quan giữa hai vị trí trưởng công an xã và chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã; rà lại các quy định về phụ cấp, chi ngân sách để tránh mâu thuẫn với các luật khác, phù hợp với chủ trương cải cách tiền lương, chế độ phụ cấp đã được ban hành.