6 tháng cuối năm sẽ là khoảng thời gian “nóng” trên mặt trận chống hàng giả, hàng nhái. Vì vậy, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra kiểm soát mặt hàng xăng dầu, phân bón, an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu; hàng giả, hàng nhái trong dịp khai giảng, Tết Dương lịch và Tết Âm lịch cũng như trên môi trường thương mại điện tử và mạng xã hội.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã khẳng định như vậy tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức ngày 25/7 tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Theo ông Trần Hữu Linh, thời gian qua xăng dầu là công tác đột xuất song đã trở thành công tác trọng điểm của lực lượng. Do đó, toàn lực lượng tập trung các nỗ lực để kiểm tra, kiểm soát 16.700 cây xăng trên cả nước, góp phần bảo đảm nguồn cung và đặc biệt là không để xảy ra gian lận thương mại trong hoạt động xăng dầu.
Ngoài ra, phân bón, vật tư nông nghiệp, thương mại điện tử, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ cũng là những mặt hàng nằm trong kế hoạch kiểm tra kiểm soát trọng điểm của toàn lực lượng. Đặc biệt, năm nay có thêm một mặt hàng mới là thuốc lá điện tử nhưng hiện tại vẫn còn thiếu chế tài xử lý các vụ việc liên quan.
Phát biểu tại hội nghị, bên cạnh việc biểu dương các thành tích đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị lực lượng quản lý thị trường cần chú ý góp phần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cũng như bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp tăng cường sự giám sát của người dân và công luận với hoạt động của lực lượng và tiếp tục làm tốt truyền thông.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế như số vụ việc được kiểm tra xử lý giảm so với cùng kỳ năm 2021, củng cố đoàn kết vẫn còn khoảng cách giữa mong muốn và thực tế. Đặc biệt buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, sản xuất hàng giả tại các địa phương, các vi phạm trên môi trường thương mại điện tử vẫn còn gây ra nhiều bức xúc.
Nhằm nâng cao vai trò bộ lọc của kiểm soát thị trường, tại hội nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị lực lượng quản lý thị trường tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, lực lượng cần mở các đợt cao điểm về nghiên cứu, quán triệt về chính trị, nhiệm vụ, pháp luật, nhất là quán triệt thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, các quy định của ngành, của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các địa phương. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh đây là công việc vô cùng quan trọng.
Cùng đó, Bộ trưởng yêu cầu sớm ban hành được quy chế quản lý, quy định của ngành với toàn lực lượng, quy trình công tác và xử lý vụ việc, xây dựng cơ chế giám sát quản lý hoạt động.
“Đặc biệt cần có cơ chế bảo đảm quản lý, phối hợp giữa lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục với lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền các địa phương cũng như cơ chế phối hợp với các lực lượng chức năng ở địa phương”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường cần tập trung rà soát kịp thời phát hiện sai phạm, chú ý tranh thủ cũng như bảo đảm sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền các địa phương, đồng thời bảo đảm tính chất độc lập, tuân thủ theo pháp luật. Quy trình xử lý cần bảo đảm nguyên tắc pháp luật-chính trị-nghiệp vụ, đề cao tính nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu.
Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường phải bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và của Tổng cục, tình hình thực tiễn và trên từng địa bàn để xây dựng kế hoạch công tác, phân công trách nhiệm rõ ràng và và có cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu suất công tác và thực thi đầy đủ quyền hạn.
Hơn nữa, phải làm tốt hơn về truyền thông, tranh thủ sự ủng hộ của người dân với ngành, với Tổng cục cũng như thông tin nội bộ với những kinh nghiệm hay, bài học quý.
Bộ trưởng cũng lưu ý việc hoàn thiện quy hoạch cán bộ quản lý các cấp. Cùng đó siết kỷ luật hành chính, xử lý các sai phạm. Đặc biệt, cấp ủy và chính quyền các địa phương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường hoàn thành nhiệm vụ và chỉ đạo các lực lượng khác cùng phối hợp.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ cần tiếp tục rà soát chức năng nhiệm vụ để cùng phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, 6 tháng đầu năm, lực lượng đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh và tăng cường phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng ngăn chặn hành vi buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ ngay từ tuyến biên giới, trên đường biển, đường bộ, hàng không, đặc biệt là hoạt động kinh doanh xăng dầu và các mặt hàng vật tư y tế phòng, chống dịch COVID.
Nhóm mặt hàng vi phạm chủ yếu do lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý là thuốc lá điếu, thực phẩm (đường cát), mỹ phẩm, phân bón, đồ may mặc, đồ chơi trẻ em…
Đáng chú ý, thời tiết chuyển mùa nắng nóng, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng đường, thuốc lá, bia, nước giải khát tăng cao. Tại khu vực các tỉnh biên giới giáp Campuchia, tuyến đường thẩm lậu hàng hóa vào tiêu thụ tại thị trường nội địa như Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tình hình vi phạm hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ gia tăng.
Điển hình như, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh thu giữ gần 10 tấn đường cát nhập lậu, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị thu giữ trên 30 tấn đường cát nhập lậu, hàng nghìn sản phẩm thuốc lá điếu nhập lậu, bia các loại…
Đồng thời, việc trở lại hoạt động bình thường các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống kéo theo các vi phạm liên quan đến sử dụng nguyên liệu (thực phẩm) như mỡ, nội tạng và sản phẩm động vật khác không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm để chế biến thức ăn diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, trong nửa đầu năm 2022, ở thị trường trong nước, giá xăng dầu, thép liên tục được điều chỉnh tăng theo giá thị trường thế giới. Cùng thời điểm này công suất lọc dầu của nhà máy Nghi Sơn bị cắt giảm dẫn đến tình trạng không đảm bảo nguồn cung xăng dầu tại một số địa phương, đặc biệt trên địa bàn các tỉnh miền Nam vào một số thời điểm, dẫn đến tình trạng vi phạm trong kinh doanh xăng dầu gia tăng.
Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức Đoàn Thanh tra chuyên ngành đối với 33 đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu trên cả nước và Đoàn Thanh tra doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo Quyết định của Bộ Công Thương.
Kết quả kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thực hiện giám sát toàn bộ các cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc (trên 16.800 cửa hàng) và thực kiểm tra trên 1.000 vụ, xử lý gần 190 vụ vi phạm, số tiền xử phạt hành chính trên 5,9 tỷ đồng…./.
Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Sáng 20/12, thông tin từ Công an huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện vừa…
Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…
Ngày 20/12, thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Sở…
Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More