Mới đây, vào tháng 8-2018, lực lượng chức năng thành phố thu giữ hơn 2 nghìn gói “Viên tiểu đường Bà Đại gia truyền” tại cơ sở thuốc đông y Bà Đại hoạt động “chui” ở phố Kỳ Đồng (quận Hồng Bàng). Từ vụ việc này, theo phản ánh của bạn đọc Báo Hải Phòng, hiện nay trên địa bàn thành phố còn một số cơ sở đông y nhỏ lẻ hoạt động “chui”.
Không có giấy phép kinh doanh
Cơ sở thuốc đông y Bà Đại do bà Nguyễn Thị Nga, 86 tuổi, làm chủ được nhiều người dân tìm đến bốc thuốc, chữa bệnh tiểu đường từ nhiều năm nay. Song, khi cơ quan chức năng phát hiện và xử lý sai phạm, nhiều người mới biết cơ sở này không có giấy phép kinh doanh, người bốc thuốc không có chứng chỉ hành nghề, các bài thuốc không được kiểm chứng thành phần, công dụng. Đồng thời, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kể trên sử dụng túi nilon, có con dấu trên nhãn hiệu để đóng gói hàng nghìn viên tiểu đường. Cùng với đó là những lời quảng cáo “vống” trên bao bì như: Người bệnh tiểu đường khỏe mạnh, minh mẫn và đắc thọ, chống các biến chứng, đau nhức, tê mỏi và lung lay răng.
Trên địa bàn thành phố, nhất là ở khu vực ngoại thành, những thầy lang hoạt động như cơ sở Bà Đại không ít. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hải Phòng, tại khu vực chợ Tổng, xã Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên) có thầy lang Nguyễn Văn V chuyên chữa bệnh quai bị. Tuy nhiên, cơ sở của thầy V không hề có biển hiệu. Trên địa bàn xã Lưu Kiếm cũng có vài ba thầy lang bốc thuốc ở nhà, khám và chữa bệnh như trên và ai biết thì đến. Còn ở chợ Kênh Giang (huyện Thủy Nguyên), hằng ngày có thầy lang ở nơi khác về bán các loại thuốc nước ngâm thảo dược và quảng cáo chữa bệnh đau răng, xương khớp… rộn cả góc chợ.
Cơ sở thuốc đông y Bà Đại bị phát hiện và xử lý vì hoạt động không phép.
Thực tế, số cơ sở khám, chữa bệnh đông y nhiều hơn so với thống kê của Sở Y tế do còn các cơ sở nhỏ lẻ hoạt động, ở các huyện ngoại thành. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý, hầu hết người dân chưa quan tâm và tìm hiểu các cơ sở thuốc đông y mà họ đến khám, bốc thuốc có được cấp phép chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động hay không.
Kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm vi phạm
Theo Trưởng Phòng Quản lý hành nghề Y Dược ngoài công lập (Sở Y tế) Lê Thị Thủy, mặc dù, hiện nay, nhiều cơ sở chú trọng đăng ký hoạt động, nhưng còn một số cơ sở nhỏ lẻ hoạt động không có giấy phép. Nguyên nhân, vì lâu nay, các bài thuốc đều của những người trong gia đình truyền lại, không chú trọng kiểm định chất lượng thuốc. Bên cạnh đó, phần lớn thầy lang ở các cơ sở đông y nhỏ lẻ là người cao tuổi, không thể theo học để có các bằng cấp về chuyên môn. Trong khi đó, để được cấp phép hoạt động, yêu cầu họ phải có chứng chỉ hành nghề. Nhiều cơ sở nhỏ lẻ hành nghề không treo biển hiệu, cơ quan chức năng khó phát hiện, cũng khó khăn cho việc quản lý về hoạt động khám, chữa bệnh bằng đông y của ngành Y tế.
Theo luật sư Đào Văn Bẩy (Công ty Luật TNHH MTV Thái Thành), việc khám, chữa bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Theo quy định, những người hành nghề khám, chữa bệnh, dù đông y hay tây y đều phải có chứng chỉ hành nghề mới được tham gia khám, chữa bệnh. Thông tư số 41 ban hành ngày 4-11-2011 của Bộ Y tế về hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh quy định đối với người khám, chữa bệnh phải có bằng cấp về chuyên môn, có cơ sở vật chất và trang thiết bị, có địa điểm riêng, cố định và tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình; phòng khám chuyên khoa phải có buồng khám bệnh có diện tích ít nhất là 10 m2 và có nơi đón tiếp người bệnh… Theo đó, các cơ sở vi phạm các quy định trên sẽ bị xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động. Cụ thể, theo khoản 6 Điều 29, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, mức xử phạt đối với các cơ sở đông y không có giấy phép hoạt động là từ 50 đến 70 triệu đồng.
Trước thực trạng nêu trên, đòi hỏi ngành Y tế, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các cơ sở sai phạm. Đồng thời, các địa phương phối hợp ngành Y tế tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở đông y nhỏ lẻ chưa có giấy phép hoạt động sớm hoàn thiện thủ tục hợp lệ và chế biến thuốc hợp vệ sinh, có khảo nghiệm, đánh giá độ chính xác, hiệu quả của thuốc trị bệnh, thông tin công khai đến người bệnh. Về phía người dân, cần tìm đến các cơ sở đông y uy tín, có đầy đủ giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề để được khám, bốc thuốc chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân.
Bùi Hương – Báo Hải Phòng 24/09/2018