Print Thứ tư, 14/08/2024 14:30 Gốc

Hoạt động viễn thông công ích được thực hiện như thế nào và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện hoạt động viễn thông công ích ra sao? Nội dung này được quy định tại Điều 32 Luật Viễn thông 2023 (Số 24/2023/QH15), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Luật Viễn thông số 24 gồm 10 chương, 73 điều, quy định về hoạt động viễn thông; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; quản lý nhà nước về viễn thông. Trong đó, Điều 32 của Luật này quy định về vấn đề quản lý hoạt động viễn thông công ích với những nội dung sau đây:

1. Hoạt động viễn thông công ích được thực hiện như sau:

a) Hỗ trợ cho doanh nghiệp viễn thông để thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông công ích theo các phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu;

b) Hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông công ích cho đối tượng được hỗ trợ thông qua doanh nghiệp viễn thông theo các phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ viễn thông;

c) Hỗ trợ thiết bị đầu cuối bằng tiền hoặc hiện vật cho đối tượng được hỗ trợ thông qua doanh nghiệp theo các phương thức đấu thầu, giao nhiệm vụ hoặc hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được hỗ trợ.

2. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này và cơ chế tài chính thực hiện hoạt động viễn thông công ích, bao gồm mức đóng góp tối đa, đối tượng được miễn, giảm đóng góp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam; việc quản lý, sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam cho hoạt động viễn thông công ích; thời hạn hỗ trợ cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông công ích bảo đảm tính ổn định, liên tục thông qua các chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.

3. Thủ tướng Chính phủ quyết định chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích phù hợp với quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, tình hình phát triển kinh tế – xã hội theo từng thời kỳ bao gồm danh mục dịch vụ viễn thông công ích, địa bàn, khu vực, đối tượng được hỗ trợ, phương thức thực hiện hoạt động viễn thông công ích, mức đóng góp của doanh nghiệp viễn thông vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam và các giải pháp thực hiện chương trình.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan hướng dẫn thực hiện chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích;

c) Ban hành giá dịch vụ viễn thông công ích theo quy định tại Điều 59 của Luật này;

d) Tổ chức, quản lý, kiểm tra thực hiện hoạt động viễn thông công ích.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất địa bàn được hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, danh sách đối tượng được hưởng hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối tại địa phương;

b) Tổ chức thực hiện chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích theo nhiệm vụ được giao;

c) Phối hợp kiểm tra thực hiện hoạt động viễn thông công ích tại địa phương.

Luật Viễn thông 2023 (Số 24/2023/QH15) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

 

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Quản lý hoạt động viễn thông công ích
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác