Hải Phòng hiện có nhiều doanh nghiệp cung cấp đa dạng nhiều chủng loại sản phẩm, thiết bị công nghệ thông tin (CNTT). Việc quản lý, giám sát các doanh nghiệp này để bảo đảm chất lượng hàng hóa do cung cấp, cần sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng.
Các doanh nghiệp phân phối đa dạng chủng loại sản phẩm CNTT.
Lạc vào “ma trận”
Khi lựa chọn các sản phẩm dịch vụ và giải pháp CNTT, người tiêu dùng thành phố thường đến các doanh nghiệp ra đời sớm tại Hải Phòng và hoạt động quảng bá nhiều như Công ty máy tính Hoàng Cường, CPN, Hoàng Phát, Sơn Đạt… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông như Mobiphone, Vinaphone, Viettel cũng tham gia vào thị trường cung cấp thiết bị công nghệ và giải pháp công nghệ thông tin. Nhiều doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh ở khu vực trung tâm thành phố và ngoại thành các quận, huyện cũng đang vươn lên mở rộng hoạt động kinh doanh các thiết bị, sản phẩm CNTT.
Số lượng doanh nghiệp và sản phẩm CNTT được cung cấp khá phong phú khiến người tiêu dùng luôn bị lạc vào “ma trận” khi lựa chọn. Ông Đào Phú Huy, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và công nghiệp Huy Hoàn cho biết, bên cạnh các doanh nghiệp uy tín, bán hàng chính hãng hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng bán các linh kiện, thiết bị CNTT trôi nổi, không bảo đảm chất lượng. Một số sản phẩm cài đặt sẵn phần mềm đã được các cơ quan nhà nước cảnh báo về việc dễ gây mất an toàn thông tin mạng… Người mua khó đánh giá, còn băn khoăn về chất lượng, mức giá chuẩn và việc bảo đảm an toàn an ninh thông tin mạng… Một số người tiêu dùng mua sản phẩm CNTT được quảng cáo nhập khẩu nguyên chiếc với mức giá cao, song vừa sử dụng đã xuất hiện trục trặc. Khi đem sửa chữa mới phát hiện các sản phẩm này không phải sản phẩm được sản xuất chính hãng mà được lắp ráp bằng linh kiện kém chất lượng.
Việc một số doanh nghiệp bán sản phẩm CNTT thực hiện các chiến lược quảng bá, thông tin hấp dẫn, khuyến mại, giảm giá để thu hút người tiêu dùng nhưng thực chất để tiêu thụ các sản phẩm, linh kiện, thiết bị sản xuất đời cũ cũng khiến khách hàng bức xúc.
Lành mạnh hóa thị trường, tăng sức cạnh tranh
Dù hoạt động kinh doanh sản phẩm CNTT trên địa bàn thành phố khá sôi động, song thực tế việc quản lý hoạt động này chưa được chặt chẽ. Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng Phòng CNTT, Sở Thông tin – Truyền thông, đặc thù trên địa bàn Hải Phòng có ít doanh nghiệp cung cấp các giải pháp, phần mềm, đào tạo, tư vấn sử dụng lĩnh vực CNTT. Phần lớn doanh nghiệp chủ yếu kinh doanh các sản phẩm, thiết bị CNTT. Vì vậy, việc quản lý các doanh nghiệp này liên quan đến nhiều ngành chức năng. Sở Thông tin – Truyền thông có tổ chức các hoạt động thanh, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp nhằm phát hiện kịp thời vi phạm về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, qua kiểm tra, để phát hiện được sai phạm cũng rất khó khăn.
Để lành mạnh hóa thị trường sản phẩm CNTT, bảo đảm quyền lợi và đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng, việc quản lý, giám sát hoạt động các doanh nghiệp cần được các cơ quan chức năng quan tâm hơn, phối hợp chặt chẽ. Trong đó, Sở Công Thương, Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng phối hợp Công an thanh phố, Sở Thông tin – Truyền thông tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, thường xuyên kiểm tra hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phải bảo đảm đúng quy định pháp luật, cung ứng hàng hóa bảo đảm chất lượng… Sở Thông tin – Truyền thông tăng cường tuyên truyền, định hướng các doanh nghiệp hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ doanh nghiệp CNTT; tổ chức hội nghị, hội thảo nhằm kết nối các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, thiết bị CNTT, hướng dẫn hoạt động kinh doanh hiệu quả, lành mạnh…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm CNTT nên tăng sức cạnh tranh bằng cách cung cấp sản phẩm chất lượng, bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, cạnh tranh để thu hút khách hàng, chú trọng chăm sóc tốt khách hàng. Đó mới là giải pháp kinh doanh hiệu quả, bền vững.
(Báo Hải Phòng 31/03/2018)