Print Thứ bảy, 26/01/2019 23:50

Cuối tháng 10 vừa qua, một bà mẹ đăng tải lên trang facebook cá nhân video clip người giúp việc liên tục rung lắc và nhổ nước bọt vào miệng con chị gây bức xúc trong cộng đồng mạng. Qua sự việc, dư luận cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong quản lý, giám sát hoạt động các đơn vị dịch vụ cung cấp người giúp việc trên địa bàn thành phố.

 

Thuê người không rõ nhân thân

 

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, ở nhà số 29B tập thể Biên phòng, phường Thành Tô (quận Hải An) cho biết: Qua theo dõi camera gia đình, chị phát hiện bà giúp việc Vũ Thị H. rung lắc mạnh con trai chị để dỗ bé nín. Khi dỗ không được, bà H. liên tiếp nhổ bọt vào miệng bé. Khi sự việc bị phát hiện, gia đình chị Huyền liên hệ với trung tâm môi giới để xác minh nhưng trung tâm cho biết không có giấy tờ tùy thân gì của bà H. Đến nay, ngoài lời xin lỗi qua điện thoại của bà H., gia đình chị Huyền không nhận được bất cứ câu trả lời hay động thái giải quyết nào khác từ trung tâm môi giới hay người giúp việc. Chị Huyền cho biết, do mới trong tuần thử việc nên giữa gia đình chị và trung tâm môi giới chưa ký kết hợp đồng. Bức xúc việc làm của bà giúp việc và cách giải quyết của trung tâm môi giới, chị Huyền đưa clip lên facebook để cảnh  báo. Hiện, gia đình chị có đơn gửi Công an phường Thành Tô trình báo và đề nghị giải quyết sự việc theo quy định của pháp luật, nhưng đến nay chưa có câu trả lời.

 

Sự việc của gia đình chị Huyền phản ánh thực tế phổ biến hiện nay: Hầu hết các gia đình thuê người giúp việc qua trung tâm môi giới nhưng không được cung cấp nhân thân của người lao động. Nhiều trường hợp giữa trung tâm môi giới và người thuê không ký hợp đồng. Khi xảy ra sự việc, quyền lợi của gia đình thuê giúp việc bị bỏ ngỏ.

 

Vai trò của người giúp việc rất quan trọng, nhất là trong xã hội hiện tại khi những người chủ gia đình rất ít thời gian để quan tâm tới việc nhà cũng như chăm sóc người thân.

 

 

Tìm hiểu tại Trung tâm giới thiệu việc làm Thu Hà ở địa chỉ số 2B đường Nguyễn Văn Linh (quận Lê Chân) về nhu cầu tìm người trông trẻ 6 tháng tuổi, đại diện trung tâm này cho biết, mức lương của giúp việc trông trẻ hiện là 5 triệu đồng/tháng. Mức phí môi giới là 800.000 đồng do người thuê trả. Giấy tờ duy nhất mà người thuê được giữ là chứng minh nhân dân của người lao động. Tất cả các thông tin còn lại về nhân thân, tính cách, kỹ năng làm việc… chỉ qua sự giới thiệu của trung tâm chứ không có gì kiểm chứng. Cũng theo đại diện trung tâm, với mức phí 800.000 đồng, trung tâm môi giới chỉ có trách nhiệm giới thiệu người cho bên thuê. Nếu không may xảy ra các sự việc như mất trộm tài sản, bạo hành trẻ…, thì đó là việc giữa gia đình thuê và người giúp việc (!?).

 

Thực tế, từng xảy ra trường hợp người giúp việc trộm cắp tiền, tài sản của gia đình chủ nhà. Đầu tháng 10-2018, một gia đình ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) phát hiện nhiều tài sản lớn biến mất, trong đó có chiếc đồng hồ Rolex trị giá 200 triệu đồng. Sau khi trích xuất camera, phát hiện thủ phạm không ai khác chính là nữ giúp việc vừa đến nhà làm việc được 1 ngày sau đó không quay trở lại. Tại Hải Phòng, cuối tháng 9-2017, TAND thành phố xét xử bị cáo  Hoàng Thị Thà, (ở xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) trong khi giúp việc cho gia đình anh Nguyễn Tiến Dũng ở phường Nghĩa Xá (quận Lê Chân) đã trộm hơn 1,4 tỷ đồng trong két sắt.

 

 

Buông lỏng trách nhiệm

 

Để tránh xảy ra những sự việc rắc rối về an ninh trật tự liên quan tới người giúp việc, khâu tuyển chọn, kiểm tra nhân thân người lao động của các cơ sở môi giới, giới thiệu việc làm rất quan trọng. Căn cứ Nghị định số 52/2014/NĐ-CP của Chính phủ, để hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm, các đơn vị phải có trụ sở, có bộ máy chuyên trách gồm ít nhất 3 nhân viên có trình độ cao đẳng trở lên và thực hiện ký quỹ theo quy định. Khi đáp ứng đủ yêu cầu, các đơn vị sẽ được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động. Trong quá trình hoạt động, các đơn vị buộc phải niêm yết bản sao chứng thực giấy phép tại trụ sở. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, hầu hết các trung tâm không niêm yết giấy phép hoạt động theo quy định. Trụ sở của nhiều đơn vị cũng chính là nhà ở của chủ doanh nghiệp với một chiếc bàn, một quyển sổ, thêm chiếc điện thoại, tấm biển giới thiệu và vài ba tấm băng-giôn quảng cáo.

 

Trưởng Phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Hữu Cường cho biết, rà soát sơ bộ, hiện Hải Phòng có gần 30 đơn vị, doanh nghiệp dịch vụ việc làm, trong đó mới có 9 đơn vị được cấp phép hoạt động. Qua kiểm tra, Sở xử lý vi phạm hành chính 5 đơn vị.

 

Nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn từ hoạt động chưa đúng quy định của nhiều đơn vị dịch vụ việc làm, tháng 8-2017, Sở Lao động – Thương binh – Xã hội xây dựng tờ trình về các giải pháp nâng cao vai trò quản lý nhà nước, hiệu quả của các đơn vị dịch vụ việc làm trên địa bàn thành phố và đã được UBND thành phố phê duyệt. Trong đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong việc xin giấy phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; Sở Thông tin – truyền thông có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các đơn vị cung cấp dịch vụ việc làm trên mạng internet, xử lý các đơn vị vi phạm; Sở Văn hóa – Thể thao có trách nhiệm quản lý đối với hoạt động quảng cáo, căng băng-giôn giới thiệu của các đơn vị dịch vụ việc làm; UBND các quận, huyện thường xuyên kiểm tra, phát hiện các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm trái pháp luật.

 

Có thể thấy, trách nhiệm quản lý hoạt động của các đơn vị dịch vụ việc làm được xác định rất rõ ràng. Vì vậy, tình trạng nhiều trung tâm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm không tuân thủ đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.


Bài và ảnh:
 Thành Lê – Báo Hải Phòng 27/11/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Quản lý hoạt động dịch vụ cung cấp người giúp việc: Lỏng lẻo dễ phát sinh tiêu cực
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác