Giáo dục

Quản lý hoạt động các trung tâm ngoại ngữ, tin học: Có sự phối hợp trách nhiệm của ngành và chính quyền

Để tăng cường quản lý hoạt động đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học, trong tháng 1 và 2-2020, Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) tiến hành đợt kiểm tra đánh giá tình hình hoạt động, chất lượng đào tạo đối với các trung tâm này. Từ đó, Sở công khai danh sách các đơn vị đủ điều kiện hoạt động, bảo đảm chất lượng và kiên quyết đình chỉ hoạt động khi không bảo đảm các điều kiện theo quy định…

Nở rộ các loại hình trung tâm

Hiện nay, nhu cầu học ngoại ngữ, tin học đang ngày càng phát triển, không chỉ ở lứa tuổi học sinh mà ở mọi lứa tuổi. Đáp ứng nhu cầu này, các trung tâm ngoại ngữ, tin học đang “mọc” lên ngày càng nhiều, có mặt ở hầu khắp các quận, huyện. Các trung tâm này dạy rất nhiều ngôn ngữ: Tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung… Để cạnh tranh, các trung tâm đưa ra các chương trình khuyến mãi học phí, thuê các giáo viên người bản xứ đứng lớp, đẩy mạnh quảng cáo về chương trình học ưu việt, hấp dẫn… Tuy nhiên, chất lượng giảng dạy của các trung tâm, trình độ của giáo viên có đạt chuẩn hay có bảo đảm như quảng cáo hay không vẫn là câu hỏi để ngỏ. Với những điều kiện khắt khe trong việc sử dụng, quản lý lao động người nước ngoài, nhất là vấn đề liên quan đến chất lượng đầu vào của các giáo viên bản ngữ, không ít trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn thành phố mời “Tây ba lô” đứng lớp dạy tiếng cho học sinh.

Nhiều cha mẹ khi chọn nơi học tiếng Anh cho con em mình có tâm lý “chuộng” các trung tâm ngoại ngữ có người bản ngữ.
Trong ảnh: Học sinh theo học tại Trung tâm tiếng Anh Dang Tuan Language Center.

Theo thống kê của Sở GDĐT, hiện nay trên địa bàn thành phố có 201 trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, trung tâm hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá. Trong đó, số lượng trung tâm được cấp phép chiếm 54,72% (110 đơn vị) dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác quản lý hoạt động của các trung tâm đối với chính quyền địa phương. Vấn đề này diễn ra trong nhiều năm. Đơn cử như tại quận Lê Chân có 52 trung tâm các loại, trong đó có 40 trung tâm được cấp phép hoạt động gồm: 15 trung tâm học tập cộng đồng, 19 trung tâm ngoại ngữ và tin học, 1 trung tâm kỹ năng sống, 2 trung tâm giáo dục chuyên biệt, 3 trung tâm giáo dục ngoài giờ chính khóa. Bà Bùi Thị Ngọc Quyên, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Lê Chân cho biết, cái khó trong công tác quản lý hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống, hoạt động ngoại khóa là chính quyền địa phương không có cán bộ chuyên trách theo dõi trong khi các trung tâm thường xuyên thành lập, giải thể và biến động mạnh. Việc thống kê số lượng, quy mô, rà soát và quản lý các trung tâm gặp khó khăn do thẩm quyền cấp phép thuộc Sở GD-ĐT và các sở ban ngành khác của thành phố. Hầu hết cơ sở không cung cấp thông tin số lượng giáo viên, học sinh tham gia chương trình giảng dạy cho đoàn kiểm tra.

Tăng cường công tác quản lý, giám sát

Để bảo đảm kịp thời nắm bắt, quản lý hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, UBND thành phố vừa giao Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan thành lập đoàn liên ngành thanh tra, kiểm tra việc tổ chức, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn thành phố (trong tháng 1 và 2-2020) theo nội dung Thông tư số 21 ngày 24-8- 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học. Theo đó, đoàn kiểm tra tập trung vào 5 nội dung chủ yếu: chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra; các địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, đồng thời công khai minh bạch những trung tâm trên địa bàn để tạo cơ chế tự quản lý giám sát…

Bà Bùi Thị Ngọc Quyên, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Lê Chân kiến nghị: Sở GD-ĐT cần định kỳ cung cấp thông tin, danh sách các trung tâm được cấp phép thành lập, cho phép hoạt động tới các quận, huyện; có văn bản hướng dẫn quản lý và chế tài xử lý, quy định trách nhiệm đối với người đứng đầu các tổ chức, đơn vị, cơ sở không được cấp phép hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật.

Ông Vũ Văn Trà, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, không thể phủ nhận vai trò và tầm quan trọng của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống. Sự ra đời của các trung tâm góp phần bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ dân trí của người dân, nhất là các em học sinh. Tuy nhiên, hiện nay có sự gia tăng đột biến về số lượng các trung tâm, dẫn đến việc chất lượng đào tạo khó kiểm soát. Trước tình hình này, Sở siết chặt hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống trên địa bàn. Cụ thể, đoàn tăng cường hoạt động hỗ trợ các trung tâm ngoại ngữ trong việc tổ chức, hoạt động theo đúng quy định, nhất là tháo gỡ khó khăn cho các trung tâm ngoại ngữ trong việc bảo lãnh cho giáo viên người nước ngoài, thực hiện các quy trình, thủ tục về lập hồ sơ quản lý, cập nhật các điều kiện hoạt động theo quy định mới…

Đối với những trung tâm chưa được cấp phép nhưng đủ điều kiện cấp phép đoàn sẽ hướng dẫn làm thủ tục cấp phép để hoạt động theo đúng quy định; với những trung tâm không đủ điều kiện sẽ yêu cầu dừng hoạt động.

Lê Hiệp/Theo Báo Hải Phòng

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More