Print Thứ năm, 23/05/2019 09:23

Theo thống kê, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh và thu gom trên địa bàn thành phố trung bình khoảng 1.700 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị khoảng 1.100 tấn, khu vực nông thôn khoảng trên 600 tấn/ngày. Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường, khối lượng phát sinh từ khoảng 500 cơ sở sản xuất kinh doanh là 2,5 đến 2,7 triệu tấn/năm.

Rác thải sinh hoạt tràn ngập bờ kênh, ruộng đồng

Dự báo với tốc độ đô thị hoá và phát triển kinh tế trong những năm tới thì khối lượng chất thải rắn cả trong sinh hoạt và công nghiệp của thành phố sẽ còn tăng hơn nữa.

Về các khu xử lý, cấp thành phố hiện có 7 khu với quy mô từ 20-80 ha với công nghệ xử lý chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh, chế biến phân vi sinh, đốt và chuyển rác thành năng lượng. Cụ thể, các khu trên là Gia Minh-Thuỷ Nguyên; Trấn Dương-Vĩnh Bảo; Tràng Cát-Hải An; Đồng Văn-An Dương và Quang Trung-An Lão.

Bên cạnh đó, có 6 khu xử lý chất thải rắn cấp huyện có chức năng xử lý chất thải sinh hoạt với quy mô từ 0,6 đến 30ha và chủ yếu là xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, chế biến phân vi sinh, gồm: Tân Trào-Kiến Thuỵ, Ngọc Chử-An Lão, Cấp Tiến-Tiên Lãng, Đồng Bài, Áng Chà Chà-Cát Hải và Minh Tân-Thuỷ Nguyên.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, trong khi các khu xử lý tập trung cấp thành phố như Tràng Cát, Đình Vũ đang đứng trước nguy cơ quá tải, phải đóng cửa thì nhiều điểm quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn được phê duyệt nhưng gặp khó trong triển khai vì chưa nhận được sự đồng thuận của nhân dân địa phương. Tiếp đến, tiến độ của các dự án còn chậm, vướng cả về giải phóng mặt bằng và nguồn kinh phí.

Xử lý rác thải bằng phương pháp lò đốt tại một doanh nghiệp

Chưa hết, rác thải rắn hầu như không được phân loại từ đầu nguồn, rác thải vô cơ, hữu cơ, có thể tái chế và không thể tái chế đều được thu gom chung vận chuyển đến bãi rác lộ thiên để chôn lấp vừa chiếm nhiều diện tích vừa không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật và vệ sinh môi trường, nhất là khi vực nông thôn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là rất lớn.

Từ phản ánh của các huyện thì nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý chất thải rắn tại khu vực nông thôn cũng còn hạn chế. Từ việc chọn địa điểm, giải phóng mặt bằng, đến đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chuyên dùng, hóa chất xử lý, kinh phí trả lương người lao động trực tiếp thu gom, xử lý… hầu như không có.

Hệ luỵ là tại không ít địa phương phát sinh các bãi rác tự phát hoặc rác thải đổ dọc bờ kênh, mương, ruộng đồng. Thậm chí người dân tự xử lý bằng cách đốt lộ thiên, gây ô nhiễm khói, bụi, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, nhất là khu vực tiếp giáp với đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, QL10, đường liên huyện… 

 Đối với khu vực đô thị, hiện có 4 đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý là Công ty Môi trường đô thị, Công ty CP công cộng và xây dựng Hải Phòng, Công ty CP công cộng và dịch vụ du lịch và HTX môi trường và dịch vụ Thành Vinh. Các đơn vị trên cũng phản ánh, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển thấp, thu không đủ chi, kinh phí cần được nhà nước hỗ trợ là rất lớn.

Trong khi đó, dụng cụ, phương tiện thu gom chậm được đổi mới, chưa phù hợp với quy trình, công nghệ hiện đại, tất yếu, cũng chưa thể khai thác được lợi ích kinh tế từ rác thải.

Còn đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn nguy hại, hiện trên địa bàn thành phố có 6 doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên-Môi trường cấp phép xử lý. Ngoài ra là một số cơ sở thu mua phế liệu nhỏ lẻ và các đơn vị ngoài thành phố.

 Mô hình tái tạo năng lượng từ rác thải  

Có thể thấy công tác quản lý chất thải rắn, nhất là chất thải rắn sinh hoạt đang tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, đặc biệt là chưa có một cơ quan đầu mối thống nhất về quản lý nhà nước.

Mặc dù có nhiều ngành tham gia như Xây dựng, Tài nguyên-Môi trường, Y tế, Công Thương, NN&PTNT… nhưng còn thiếu sự thống nhất, có sự chồng chéo, bỏ trống một số khâu trong công tác quản lý.

Đơn cử, chỉ tính riêng năm 2018, Công an thành phố đã phát hiện, điều tra, xử lý 161 vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; xử phạt theo thẩm quyền 55 vụ với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng; chuyển các đơn vị có thẩm quyền 95 vụ việc; đang tiếp tục giải quyết 11 vụ.

Bên cạnh đó, hàng năm Sở Tài nguyên-Môi trường cũng thanh tra, kiểm tra từ 70-80 cơ sở, từ đó phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm với các lỗi phổ biến như thực hiện không đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường, xả nước thải, khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép, quản lý chất thải không đúng quy định…

Trong tiến trình xây dựng thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại thì tiêu chí đạt về quản lý chất thải rắn là phần “cứng”, buộc phải đảm bảo.

Vấn đề đặt ra ở đây là cùng với việc đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, phù hợp thì thành phố cũng cần khuyến khích xã hội hoá, nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn.

Các cấp chính quyền địa phương, tổ chức, đoàn thể đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về phân loại đầu nguồn rác thải, giảm lượng rác thải, tăng cường tái chế, tái sử dụng, từ đó dần hình thành lối sống thân thiện với môi trường.

Kim Oanh

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố: Còn nhiều bất cập
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác