Hiện tại, hơn 15 nghìn cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường trên toàn quốc đang gặp khó khăn. Sau gần hai năm (2020-2021) phải đóng cửa vì ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, khi được hoạt động trở lại bình thường một thời gian ngắn thì hiện nay, phần lớn các cơ sở phải đóng cửa do không bảo đảm quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Tại một số địa phương như Hòa Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An…, 100% cơ sở kinh doanh karaoke đã phải tạm dừng hoạt động khiến phần lớn rơi vào phải chuyển nhượng hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh…
Nghị định 54/2019/NÐ-CP (ngày 19/6/2019) của Chính phủ quy định rõ các điều kiện về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Trong công tác quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, hiện nay cơ quan công an đang quản lý 22 ngành nghề và nhóm ngành nghề theo Nghị định 96/2016/NÐ-CP (ngày 1/7/2016) của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó có nhóm ngành nghề đầu tư kinh doanh karaoke, vũ trường. Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình, trong đó quy định cụ thể về an toàn PCCC đối với công trình karaoke, vũ trường.
Hầu hết các cơ sở kinh doanh karaoke đều hình thành trước khi Nghị định 136/2020/NÐ-CP (ngày 24/11/2020) hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Thông tư 147/2020/TT-BCA ngày (31/12/2020) về quy định biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường có hiệu lực. Vì vậy, các cơ sở này về danh nghĩa đều được cấp đầy đủ giấy phép bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định pháp luật, trong đó có cả các điều kiện về PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Tuy nhiên, sau đợt kiểm tra theo Kế hoạch 513/KH-BCA-C07 của Bộ Công an, tất cả cơ sở đều phải dừng hoạt động do không bảo đảm các điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ. Thêm nữa, việc áp dụng quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình, trong đó quy định cụ thể về an toàn PCCC đối với công trình karaoke, vũ trường chỉ phù hợp đối với các cơ sở được thẩm duyệt xây mới hoặc cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng từ ngày 16/1/2023 đến nay. Còn lại rất ít cơ sở kinh doanh hiện hữu đáp ứng được các tiêu chuẩn, kỹ thuật.
Theo số liệu từ Bộ Công an về tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên phạm vi toàn quốc, vi phạm chủ yếu do lắp đặt biển quảng cáo không đúng quy định, không bảo đảm cho xe chữa cháy, xe thang tiếp cận; sử dụng vật liệu nội thất, vật liệu cách âm dễ bắt cháy như mút, xốp; thiếu lối thoát nạn, cầu thang không đủ chiều rộng, không trang bị hoặc trang bị không đủ hệ thống, phương tiện PCCC, cơ sở kinh doanh được chuyển đổi công năng từ nhà ở, không có lối thoát hiểm, cầu thang…
Trong bối cảnh dịch vụ karaoke chưa được hoạt động trở lại, rất nhiều hình thức biến tướng của karaoke xuất hiện như hát cho nhau nghe, hát tại các quán ăn, các câu lạc bộ, quán bar, quán rượu, các hình thức hát loa kéo, nhà hàng sử dụng nhạc mạnh.
Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC, nhưng nay chuyển đổi thành nhà hàng, phòng trà… gây khó khăn trong xác định đối tượng, lĩnh vực quản lý và áp dụng các điều kiện an toàn PCCC.
Trung tá Dương Tuấn Sơn thuộc Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết: Thực tế hiện nay đang phát sinh một số hoạt động kinh doanh tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự, nhưng chưa có trong danh mục quản lý, không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện và không có chế tài xử lý. Nhiều hình thức biến tướng như mở hàng ăn có hát karaoke không thu tiền khiến cơ quan công an khó khăn trong công tác xử lý, bởi chưa có quy định cụ thể về điều kiện, quản lý đối với loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ có kết hợp âm nhạc.
Thực trạng công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke tại Hà Nội đang là một vấn đề nóng được đặt ra trong công tác quản lý nhà nước.
Theo thống kê của Bộ Công an, toàn quốc có 15.161 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường trong đó 6.285 cơ sở do cơ quan công an quản lý, trong đó có 2.148 cơ sở đã được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC, 505 cơ sở nguy hiểm cháy; 8.876 cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.
Ða số các cơ sở kinh doanh karaoke xen cài trong khu dân cư, nhà nhiều tầng, diện tích nhỏ, sử dụng vật liệu dễ cháy nổ, được chuyển đổi từ nhà ở sang kinh doanh, cho nên không đủ lối thoát nạn. Mặc dù vậy, phần lớn những nhà ở này không thuộc diện phải thẩm duyệt PCCC, cho nên khi thành địa điểm kinh doanh karaoke thì không bảo đảm các điều kiện về PCCC. Công tác quản lý, cấp giấy phép xây dựng, PCCC với trường hợp chuyển đổi từ nhà ở hộ gia đình thành cơ sở kinh doanh karaoke chưa thống nhất; chưa quy định về yêu cầu an toàn PCCC trong hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh karaoke và thời hạn của giấy phép.
Những bất cập nêu trên đã dẫn đến tình trạng cơ sở được cấp giấy phép, nhưng chưa bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC; chưa có quy định cụ thể việc thu hồi giấy phép kinh doanh karaoke đối với trường hợp vi phạm quy định về PCCC (đã bị đình chỉ hoạt động hoặc không thực hiện kiến nghị của cơ quan quản lý nhà nước về PCCC) khiến tình trạng cơ sở có vi phạm về PCCC, cố tình hoạt động chui nhưng không bị thu hồi giấy phép kinh doanh tiếp diễn…
Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng phòng công tác PCCC, Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn (Bộ Công an) nhận định: Qua tổng rà soát, kiểm tra 100% các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường trên toàn quốc, việc chấp hành các quy định về PCCC tại các cơ sở hạn chế, nhiều vi phạm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ gây mất an toàn cho người sử dụng dịch vụ. Ðến nay có 8.268 cơ sở còn tồn tại về PCCC khó có khả năng khắc phục theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC.
Qua tổng rà soát, kiểm tra 100% các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường trên toàn quốc, việc chấp hành các quy định về PCCC tại các cơ sở hạn chế, nhiều vi phạm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ gây mất an toàn cho người sử dụng dịch vụ. Ðến nay có 8.268 cơ sở còn tồn tại về PCCC khó có khả năng khắc phục theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC, Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng phòng công tác PCCC, Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn (Bộ Công an).
Ðể công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này chặt chẽ và hiệu quả, cần có những sửa đổi, bổ sung Nghị định 54/2019/NÐ-CP theo hướng quy định chặt chẽ hơn việc cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke, trong đó bổ sung quy định đối tượng, loại hình kinh doanh văn hóa có kèm âm nhạc như phòng trà, nhà hàng, câu lạc bộ, quán bar, quán rượu; bổ sung các ngành, nghề chưa được quy định tại Nghị định 96/2016/NÐ-CP, tăng cường rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh không hoạt động liên tục để có cơ sở thu hồi giấy phép kinh doanh theo quy định. Bộ Công an phối hợp Bộ Xây dựng nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có giải pháp đối với các công trình hiện hữu không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn PCCC để kinh doanh karaoke.
Một vấn đề nữa là rà soát sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình bảo đảm phù hợp với tình hình mới, thực hiện nghiêm việc thẩm định cấp phép xây dựng đối với các cơ sở chuyển đổi công năng có nguy cơ cháy nổ cao, sớm tìm được những giải pháp tích cực, hiệu quả.
Ngọc Liên