Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao, quận Lê Chân nhanh chóng kích hoạt và đưa 15 trạm y tế lưu động vào hoạt động tại 15 phường để quản lý, điều trị các trường hợp F0. Bên cạnh đó, quận đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, phát huy hoạt động các tổ giám sát COVID-19 tại cộng đồng…
Chuẩn bị chu đáo, triển khai bài bản
Từ ngày 10/12, quận Lê Chân thành lập và đưa vào hoạt động 15 trạm y tế lưu động với 414 thành viên. Lực lượng này có nhiệm vụ hướng dẫn, tư vấn, thường xuyên theo dõi sức khỏe và hỗ trợ chăm sóc trường hợp mắc COVID-19 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế; hướng dẫn và cấp phát thuốc điều trị các F0 nhẹ, không triệu chứng; phát hiện, sơ cấp cứu, chuyển tuyến kịp thời đối với các F0 có triệu chứng trung bình hoặc trở nặng đến các cơ sở y tế phù hợp. Ngoài kinh phí 50 triệu đồng do thành phố cấp để mua sắm các trang thiết bị cần thiết như: xe máy, bình oxy…, quận Lê Chân hỗ trợ thêm mỗi trạm y tế lưu động 30 triệu đồng để mua máy tính xách tay và tủ thuốc, nhằm phục vụ tốt hơn việc quản lý, điều trị người bệnh.
Theo đại diện trạm y tế lưu động phường Niệm Nghĩa, trạm đang quản lý, điều trị 15 F0 tại nhà. Hiện các F0 đều bình thường, không có biểu hiện ho, sốt, khó thở. Bên cạnh tư vấn, thăm hỏi người bệnh mắc COVID-19 đang được quản lý điều trị tại nhà hằng ngày qua điện thoại, nhân viên y tế của trạm còn trực tiếp đến nhà thăm khám, phát thuốc, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe và phòng tránh lây nhiễm cho người thân và cộng đồng. Trạm cũng có lực lượng y tế túc trực 24/24 giờ và số điện thoại đường dây nóng để người dân liên lạc bất cứ lúc nào nếu có vấn đề về sức khỏe.
Trưởng Phòng Y tế quận Lê Chân Ngô Đức Tiệp thông tin, tính đến ngày 16/12, toàn quận có 192 F0 đang điều trị tại nhà, 24 F0 được điều trị tại Trung tâm Y tế quận cơ sở 2 ở số 150 phố Lam Sơn (phường Lam Sơn). Ngoài việc thành lập các trạm y tế lưu động, quận Lê Chân còn thành lập 350 tổ chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại 15 phường để hỗ trợ thêm trong việc quản lý, điều trị các F0, F1 trên địa bàn. Đồng thời tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nhân lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho hơn 1.700 người thuộc các trạm y tế lưu động và thành viên các tổ chăm sóc sức khỏe cộng đồng trên địa bàn quận. Ông Ngô Đức Tiệp cũng cho biết, hiện nay quận Lê Chân là một trong những địa phương đầu tiên của thành phố hoàn thành việc thành lập và tập huấn 15 đội chịu trách nhiệm xử lý thi hài F0 tử vong tại 15 phường. Trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, có trường hợp người bệnh tử vong trên địa bàn, các đội này sẽ tiến hành xử lý thi hài đúng thủ tục, tập quán, bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch bệnh.
Đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn quận Lê Chân ghi nhận gần 350 ca mắc COVID-19 tại cộng đồng. Toàn hệ thống chính trị của quận luôn bám sát diễn biến dịch bệnh và các văn bản chỉ đạo của các cấp, tập trung cao, phản ứng nhanh, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh. Xác định tiêm vaccine là một trong những biện pháp hàng đầu ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, quận chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 để đẩy nhanh tiến độ tiêm. Hiện tại, toàn quận tiêm được 227.780 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 136.228 trường hợp tiêm mũi 1, 91.552 trường hợp tiêm mũi 2, đạt độ phủ vaccine đối với người từ 18 tuổi trở hơn là trên 80%. Quận cũng tổ chức tiêm vaccine cho 17.835 học sinh từ 12-17 tuổi bảo đảm an toàn.
Bên cạnh đó, quận Lê Chân tiếp tục duy trì chốt kiểm soát thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại bến xe Vĩnh Niệm với 24 thành viên bảo đảm hoạt động hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào hằng ngày tại bến xe; duy trì nghiêm việc sử dụng nhật ký hành trình của các lái xe, phụ xe. Quận tổ chức hoạt động Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch của quận và các phường nhịp nhàng, hiệu quả; duy trì chế độ trực liên tục, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh bất ngờ, đột xuất. Bên cạnh đó, quận chỉ đạo các đơn vị tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân ý thức cao trong việc tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19; linh hoạt, sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch…/.
Bài và Ảnh: Hiệp Lê