Tại khu vực Ngã năm Kiến An, mật độ người tham gia giao thông đông. Xe ô tô khách, xe taxi dừng, đỗ, đón trả khách chung quanh vườn hoa Trần Quốc Toản. Các hộ kinh doanh tại quán hoa và quanh khu vực cổng chợ Gò Công, hướng đường Nguyễn Lương Bằng, ngang nhiên căng bạt, ô dù, bày bán hàng hóa bè phè, chiếm dụng toàn bộ vỉa hè, một phần lòng đường. Người mua hàng, dừng đỗ xe ngay dưới lòng đường, gây cản trở giao thông. Tình trạng này diễn ra hằng ngày khiến bộ mặt đô thị quận trở nên nhếch nhác, mất trật tự mỹ quan.
Đường Trường Chinh (quận Kiến An) đoạn qua chân cầu Niệm, vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán.
Bà Nguyễn Thị Hoán (phường Phù Liễn) cho biết: “Ngày nào qua đoạn này cũng phải đi dưới lòng đường vì phần vỉa hè bị các quán chiếm hết. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng dẹp được vài hôm lại đâu vào đấy”. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán cũng diễn ra ở nhiều tuyến đường, phố chính và khu vực khác của quận Kiến An, như: đường vào cổng bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, cổng bệnh viện Kiến An, ngã tư cống Đôi, bờ hồ Hạnh Phúc, đầu đường Cao Toàn đoạn gần điểm giao cắt với đường Phan Đăng Lưu, khu vực cầu Niệm, trước cổng thư viện (thuộc phường Trần Thành Ngọ), chợ Lãm Hà, chợ Bến Phà… Đáng chú ý, một số tuyến đường vừa được nâng cấp, cải tạo, người dân lại xây bậc dắt xe lên xuống vỉa hè như đường Phan Đăng Lưu, Trần Tất Văn… Năm 2017, quận Kiến An tổ chức ra quân lập lại trật tự đô thị, tháo dỡ 1.565 mái vảy, mái che, 258 biển quảng cáo, phá bỏ 914 bậc lên xuống và dỡ 17 công trình khác. Song, trong quý 1-2018, quận chưa tổ chức đợt ra quân nào. Thực trạng này khiến nhiều người dân, nhất là các hộ nghiêm túc chấp hành quy định về bảo đảm trật tự đô thị, tự giác tháo dỡ các công trình, diện tích lấn chiếm vỉa hè không đồng tình cho rằng, việc lập lại trật tự đô thị mang tính hình thức.
Về vấn đề này, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Kiến An cho biết, việc xử lý các trường hợp vi phạm khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là chính quyền cơ sở chưa thực sự kiên quyết trong công tác chỉ đạo, còn trông chờ, chủ yếu giao khoán cho lực lượng công an, tổ trưởng tổ dân phố. Việc duy trì công tác kiểm tra, xử lý chưa thường xuyên, liên tục. Vì vậy, sau thời gian ra quân, các vi phạm tái diễn. Một số địa bàn giáp ranh, các địa phương chưa phối hợp tốt trong xử lý vi phạm.
Căn cứ tình hình thực tế tại các địa phương, quận xác định các điểm phức tạp về trật tự đường hè, vệ sinh môi trường và xây dựng kế hoạch thực hiện. Cụ thể, từ quý 2, quận thường xuyên ra quân làm công tác bảo đảm trật tự đường hè 2 lần/tuần. Tăng cường sắp xếp, quản lý việc sản xuất kinh doanh, bảo đảm không vi phạm hành lang an toàn giao thông, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tổ chức lực lượng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm đường thông, hè thoáng. Riêng đối với các phường có các tuyến đường chính như Trần Thành Ngọ, Phan Đăng Lưu, Trần Nhân Tông, Trường Chinh, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, các khu vực trọng điểm như khu vực vườn hoa hồ Hạnh Phúc, vườn hoa Trần Quốc Toản, khu vực vườn hoa chéo, chợ Lãm Hà, Đầm Triều, chợ Gò Công, chợ Bến Phà… sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng khu vực thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự đường hè, xử lý nghiêm các trường hợp căng treo dù bạt, dựng mái vảy mái che, đặt treo biển quảng cáo, buôn bán kinh doanh chiếm dụng hết vỉa hè, cố tình lấn chiếm vỉa hè, gây cản trở giao thông.
Tuy nhiên, các biện pháp quản lý, xử lý vi phạm trật tự đường hè thời gian qua hiệu quả thấp. Quận cần có giải pháp “mạnh tay” hơn nữa, ra quân liên tục, quyết liệt kết hợp với vận động, thuyết phục người dân, các hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, cần sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể chính trị, sự đồng thuận của người dân để công tác quản lý trật tự vỉa hè thật sự hiệu quả, bền vững.
Vân Nga – Báo Hải Phòng 21/04/2018