Thiếu quỹ đất, kinh phí xây dựng… là nguyên nhân khiến nhiều khu dân cư, tổ dân phố tại quận Kiến An thiếu nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Thực trạng này đòi hỏi phải có thêm nhiều giải pháp để sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để các điểm sinh hoạt văn hóa phát huy hiệu quả hoạt động.
Muôn kiểu “mượn” địa điểm sinh hoạt văn hóa
Nhiều năm nay, cứ mỗi dịp hội họp, người dân tổ dân phố 16,phường Bắc Sơn lại “chạy đôn đáo” tìm địa điểm tổ chức. Bí thư chi bộ Tổ dân phố 16 Nguyễn Thành Tô cho biết: “Tổ dân phố có gần 150 hộ dân, nhưng vì chưa có nhà văn hóa, mọi hoạt động đều bị hạn chế. Các tổ dân phố 13, 14, 15 lân cận cũng không có nhà văn hóa, nếu muốn tổ chức các hoạt động quy mô như Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, các liên hoan ca múa nhạc quần chúng hay sinh hoạt cộng đồng, tổ dân phố phải nhờ các đơn vị quân đội ở trên địa bàn tạo điều kiện cho mượn hội trường. Mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ hằng tháng, 70 đảng viên của tổ dân phố (chủ yếu là người cao tuổi) lại phải đi hơn 2km đến họp nhờ ở hội trường UBND phường. Cũng vì không có nhà văn hóa, các cháu thiếu nhi không có điểm vui chơi, giải trí, người dân không có nơi tập luyện thể dục, thể thao, thành lập các câu lạc bộ. Tổ dân phố nhiều lần phản ánh, song khó khăn của phường là không có quỹ đất để bố trí xây dựng nhà văn hóa”.
Tình trạng thiếu nhà văn hóa không chỉ xảy ra ở phường Bắc Sơn, theo Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin quận Kiến An Phạm Thị Bích Thủy, hiện nay quận có 145 tổ dân phố của 10 phường, nhưng mới có 55 nhà văn hóa ở các tổ dân phố. Việc thiếu cơ sở nhà văn hóa gây khó khăn trong một số hoạt động cộng đồng. Các phường có nhiều tổ dân phố chưa có nhà văn hóa là: Trần Thành Ngọ, Bắc Sơn, Đồng Hòa, Tràng Minh, Văn Đẩu, Phù Liễn… Bên cạnh đó, nhiều nhà văn hóa của các tổ dân phố đã xây dựng nhiều năm cũng cần nâng cấp, sửa chữa do xuống cấp, không bảo đảm sinh hoạt cộng đồng. Do thiếu quỹ đất, nhiều tổ dân phố phải sử dụng chung nhà văn hóa, có nơi người dân phải sinh hoạt tạm tại các điểm như: trường học, trụ sở, hội trường của phường… Nhiều tổ dân phố có điểm sinh hoạt cộng đồng nhưng diện tích chật hẹp, chỉ bảo đảm được hội họp của tổ dân phố, không có điều kiện nâng cấp hoặc xây các công trình phụ trơ.
Chủ động đầu tư trọng tâm, trọng điểm
Thiếu quỹ đất là vướng mắc lớn nhất khiến nhiều tổ dân phố không thể triển khai xây dựng nhà văn hóa. Nhiều địa phương đất chật, người đông, số tổ dân phố nhiều, trong khi mỗi nhà văn hóa theo quy định phải có diện tích ít nhất 200m², chưa kể sân và không gian chung quanh, nên khó bố trí quỹ đất phù hợp quy hoạch để xây dựng; hoặc có bố trí được cũng gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Cùng với việc thiếu quỹ đất xây dựng, thiếu vốn là nguyên nhân khiến nhiều địa phương chưa có nhà văn hóa. Theo tính toán, để xây dựng một nhà văn hóa, cần ít nhất 2-3 tỷ đồng. Song, nguồn ngân sách hiện nay đều phải cân đối từ nguồn vốn được cấp, trong khi các địa phương hiện phải tập trung cao xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới giáo dục ở địa phương. Việc hoàn thành xây dựng nhà văn hóa phụ thuộc nhiều vào nguồn kinh phí đóng góp từ nhân dân. Tuy nhiên, nhiều người dân không đồng tình hưởng ứng, vì vậy việc huy động đóng góp khó triển khai.
Theo lãnh đạo UBND quận Kiến An, nhằm hỗ trợ các địa phương khắc phục khó khăn, vướng mắc, bảo đảm mục tiêu trong xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, những năm gần đây, quận triển khai nhiều giải pháp. UBND quận giao Phòng Tài chính-Kế hoạch chủ trì, phối hợp Phòng Văn hóa-Thông tin và các phòng liên quan rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình hiện có và nhu cầu xây mới của các địa phương. Từ đó tổng hợp danh mục công trình, đề xuất UBND quận xem xét, quyết định phương án giải quyết đối với các công trình thực sự cấp thiết. Trong năm 2019, quận đầu tư xây dựng nhà văn hóa Kha Lâm 3 (phường Nam Sơn) chuẩn bị bàn giao, đưa vào sử dụng. Quận cũng đang triển khai xây dựng nhà văn hóa Lệ Tảo 1 (phường Nam Sơn)với tổng kinh phí 3 tỷ đồng.
Thực hiện tinh thần chỉ đạo của trung ương và thành phố, tới đây, quận tiếp tục triển khai hợp nhất các thôn, tổ dân phố có quy mô nhỏ lẻ để thành lập thôn, tổ dân phố mới có quy mô lớn hơn. Qua thí điểm, trên địa bàn quận có 6 tổ dân phố của phường Văn Đẩu được sáp nhập thành 2 tổ dân phố mới, qua đó giảm số tổ dân phố toàn quận từ149 xuống còn 145 tổ dân phố. Theo đề án sáp nhập tổ dân phố của quận đã báo cáo UBND thành phố, sẽ giảm còn 86 tổ dân phố. Trên cơ sở này, quận sẽ tính toán phương án bố trí quỹ đất xây dựng nhà văn hóa, song phải bảo đảm phù hợp quy hoạch chung. Từ thực tế cho thấy, việc xây dựng, sửa chữa các điểm sinh hoạt văn hóa là cần thiết, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Để gỡ khó cho việc xây dựng thiết chế văn hóa, ngoài việc rà soát bảo đảm phù hợp quy hoạch, còn cần áp dụng linh hoạt quy định về diện tích xây dựng phù hợp điều kiện, tình hình từng địa phương./.
BÀI VÀ ẢNH: THANH VÂN