Mặc dù các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý đối tượng đổ, đốt trộm rác thải, tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng này liên tục gia tăng tại nhiều khu vực trên địa bàn quận Kiến An, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Liên tục trong những ngày tháng 10, người dân sinh sống tại đường Tân Hà, phường Lãm Hà, quận Kiến An phản ánh về tình trạng đổ và đốt trộm rác thải tại khu vực dưới chân cầu Niệm và khu đất trống thuộc sở hữu của Công ty CP bảo đảm giao thông đường thủy Hải Phòng, gây ô nhiễm môi trường. Đây là các khu vực đất trống bỏ hoang nên vài năm nay gần đây trở thành nơi đổ trộm rác sinh hoạt, rác thải xây dựng và cả rác thải công nghiệp. Thời gian gần đây, các đối tượng đổ trộm và đốt rác vào thời điểm đêm khuya, gây mùi khói nồng nặc, tràn vào khu dân cư. Do lượng rác thải lớn nên có khi gần 1 ngày sau, những đám tro vẫn cháy âm ỉ. Tình trạng đốt trộm rác xảy ra nhiều lần, nhưng chính quyền địa phương chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để, chỉ dừng lại khâu giải quyết hậu quả khi sự việc “đã rồi”.
Tương tự tại một số khu vực dọc tuyến đường từ cầu Đồng Khê đến cầu Niệm 2 thuộc địa phận phường Đồng Hòa, mặc dù chính quyền địa phương triển khai lắp đặt rào chắn, trụ bê tông để ngăn chặn tình trạng tập kết rác thải, nhưng do là địa bàn giáp ranh (với quận Lê Chân và huyện An Dương), địa hình dân cư thưa thớt nên tình trạng đổ trộm phế liệu công trình, đồ nhựa công nghiệp, kính vỡ vẫn diễn ra phổ biến, nhất là quanh khu vực Trường cao đẳng Hàng hải cơ sở 2.
Đặc biệt, tình trạng này diễn ra phổ biến tại làng nghề tái chế phế liệu phường Tràng Minh từ nhiều năm nay, nhưng không có biện pháp xử lý triệt để. Tại đây, sau khi phân loại, những phế liệu không thể tái chế, sử dụng sẽ được đốt. Rác với đủ loại từ mảnh nhựa vụn, dây điện, linh kiện điện tử, thậm chí cả rác thải y tế được tập kết tại những bãi đất trống ở ven sông và đốt. Khói từ những bãi rác khiến bầu không khí nơi đây ngột ngạt, khó thở.
Không chỉ người dân phường Tràng Minh, rác theo gió làm ảnh hưởng đến dân cư các địa phương lân cận như: xã Thuận Thiên (huyện Kiến Thụy), một số xã của huyện An Lão. Chủ tịch UBND phường Tràng Minh Phạm Đức Tám cho biết, hiện tại phường có gần 100 cơ sở thu gom, tái chế phế liệu với khoảng hơn 3.000 lao động. Trong đó, hơn 60 cơ sở có giấy phép kinh doanh, phân loại phế liệu, còn lại là những hộ làm thời vụ. Từ đầu năm đến nay, phường phát hiện, xử lý gần 10 vụ về đốt rác. Tình trạng đốt rác thải tại phường diễn ra thường xuyên nhưng chủ yếu đươc đốt vào ban đêm, ngày nghỉ nên rất khó phát hiện. Hơn nữa, các đối tượng thường chọn các khu vực giáp ranh để tập kết đốt rác. Chính quyền địa phương liên tục thông báo cấm, kiểm tra, xử lý, triển khai dọn dẹp, nhưng tình trạng nêu trên vẫn diễn ra. Bởi, quy trình phân loại, xử lý tái chế phế liệu sau khi thu mua của các hộ dân hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Nhiều cơ sở không báo cáo tình hình phát sinh, quản lý chất thải. Do đó, chính quyền địa phương khó khăn trong quản lý, xử lý vi phạm. Không chỉ tại phường Lãm Hà, Đồng Hòa, Tràng Minh… tình trạng đổ, đốt trộm rác thải diễn ra phổ biến tại nhiều phường trên địa bàn quận Kiến An, nhất là các phường có diện tích rộng, dân cư thưa thớt hoặc các khu vực giáp ranh. Hiện nay, trên địa bàn quận chỉ có rác thải sinh hoạt được Công ty CP Công trình công cộng và xây dựng Hải Phòng đảm nhận thu gom, vận chuyển. Trong khi đó, nguồn rác đổ trộm lại chủ yếu là rác thải công nghiệp, rác thải xây dựng, khi đốt sẽ giải phóng nhiều chất nguy hại cho môi trường. Vì vậy, xảy ra tình trạng trên là do việc quản lý, giám sát chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn còn thiếu chặt chẽ. Thiết nghĩ, quận Kiến An cần có giải pháp tăng cường xử lý nghiêm các đối tượng cố tình thực hiện việc đốt rác. Trong đó, triển khai ra quân xử lý, dọn dẹp các điểm tập kết rác thải không đúng quy định, có giải pháp cải tạo các khu vực này thành điểm vui chơi, sinh hoạt công cộng nếu phù hợp. Các địa phương bố trí lắp đặt camera giám sát tại các điểm “nóng” về tập kết rác thải.
Công an các phường tăng cường lực lượng tuần tra, mật phục theo dõi, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, UBND quận Kiến An phối hợp các ngành chức năng hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh tái chế phế liệu chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Đối với các hộ tái chế phế liệu của làng nghề phường Tràng Minh, về lâu dài, quan tâm sớm quy hoạch làng nghề, tạo điều kiện để người dân sản xuất cũng như chấp hành các điều kiện, quy định bảo vệ môi trường. Song, quan trọng vẫn là ý thức chấp hành bảo vệ môi trường của mỗi người dân. Có như vậy, tình trạng đổ, đốt trộm rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường mới sớm được khắc phục.
Bài và ảnh: Thanh Vân