Chuẩn bị dự án cải tạo chỉnh trang sông Tam Bạc đoạn từ cầu Lạc Long đến mom Thủy đội, quận Hồng Bàng di dời các hộ dân sống trên tàu thuyền neo đậu ở khu vực này trước ngày 31-7-2020. Việc di dời không chỉ phục vụ dự án mà còn bảo đảm an toàn cho người dân…
Nhiều nguy cơ rình rập
Thu nhập thấp, bấp bênh, tai nạn luôn rình rập là cuộc sống của hầu hết hộ dân sống trên tàu, thuyền neo ở sông Tam Bạc, đoạn từ chân cầu Lạc Long đến mom Thủy đội. Theo kết quả khảo sát của UBND quận Hồng Bàng, khu vực này có 46 hộ dân sinh sống, chủ yếu đến từ Hải Dương, Thái Bình,…Công việc chủ yếu của họ là chài lưới, nhặt sắt vụn, ve chai, thu nhập thấp. Đặc biệt, cuộc sống trên tàu thuyền không bảo đảm an toàn; thực tế đã xảy ra những vụ tai nạn gây thương tích cho người sống ở đây.
Bà Lê Thị Lụa, 63 tuổi, quê ở Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, có 40 năm sống ở khu vực này. Hiện bà Lụa ở nhà trông cháu cho con đi làm. Chồng bà là ông Lê Văn Thực, 64 tuổi, vẫn phải lặn dưới nước hàng giờ để mò sắt, kiếm chai lọ về bán lấy tiền. Ngày kiếm được vài chục nghìn đồng, có ngày chẳng được đồng nào. Gia đình bà có cháu nhỏ không may rơi xuống sông chết đuối, con rể lớn của bà đang ngủ trong thuyền thì bất ngờ thuyền sập, nửa tháng sau cũng qua đời vì vết thương quá nặng. Bà Lê Thị Tình 50 tuổi, dịp giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa qua, do thuyền bê-tông lâu ngày mục nát làm mũi thuyền gẫy đôi, bà ngã xuống sông, may có người phát hiện đưa lên kịp. Ông Lê Văn Giang, 65 tuổi, quê ở thành phố Hải Dương sống tại khu này hàng chục năm nay, mưu sinh bằng nghề mò sắt vụn. Tuổi cao nên ông gặp nhiều rủi ro, nhiều lần sảy chân ngã, chuột rút, cắm phải sắt vụn, chai lọ rách toác chân tay. Khó khăn, hiểm nguy là vậy, nhưng người dân nơi đây không có hướng gì để thay đổi cuộc sống. Nhiều gia đình hết đời bố mẹ rồi đến con cháu cũng sống ở đây. Như gia đình bà Lụa có 8 người con, hiện 5 người con gái cũng sống trên thuyền, neo ở khu vực này. Đặc biệt, mỗi khi mưa bão, phường, quận lại phải đưa các hộ dân lên bờ tránh trú.
Thời gian qua, quận Hồng Bàng có những chính sách quan tâm cải thiện cuộc sống của người dân sống tại đây như kéo điện, nước sạch. Trẻ nhỏ trong xóm được đi học ở lớp học tình thương tại Nhà thờ Chính tòa. Dịp lễ, tết và mới đây, quận có 2 lần trao tiền hỗ trợ hộ dân, chịu ảnh hưởng dịch COVID-19, hộ dân không có việc làm. Tuy nhiên, việc sinh sống ở khu vực này không bảo đảm an toàn đối với các hộ dân, hoạt động giao thông đường thủy và không phù hợp quy định pháp luật. Do đó, việc di dời các hộ dân là rất cần thiết.
Có hướng hỗ trợ cụ thể
Chủ tịch UBND Hồng Bàng quận Dương Đình Ổn cho biết: Thực hiện Thông báo số 843 của Thành ủy về nghiên cứu đầu tư chỉnh trang lại sông Tam Bạc giai đoạn 2, đoạn từ cầu Lạc Long đến mom Thủy đội, ngày 4-3-2020, UBND quận Hồng Bàng có Thông báo 91 về việc di chuyển tàu, thuyền đang neo đậu ở khu vực này. Theo thông báo, các hộ dân hoàn thành việc di dời trước ngày 31-3-2020. Song lịch di dời đúng thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nên thời gian di dời lùi lại. Quận tổ chức họp dân, khảo sát ý kiến liên quan nội dung này. Hầu hết hộ dân sinh sống ở khu vực này, đều rất ủng hộ việc di dời, nhưng mong có sự hỗ trợ cụ thể.
Ông Lê Văn Giang, quê ở tỉnh Hải Dương, chia sẻ: “Không ai muốn con cháu mãi sống cảnh bấp bênh, chen chúc trên chiếc thuyền chưa đầy 10m². Nhưng nếu di dời xóm chài, chúng tôi cũng chưa biết đi đâu, về đâu. Vì những chiếc thuyền lâu ngày mục nát, ọp ẹp, rất khó di chuyển ra chỗ khác. Việc mua đất, xây nhà lại càng không thể, vì cơm không đủ ăn, tiền đâu để lo những thứ khác”. Đây cũng là tâm tư của bà nguyễn Thị Thu, 73 tuổi, trước đây sống ở tổ 15, phường Kênh Dương, quận Lê Chân, bà bán nhà đất chia cho các con và mua thuyền neo ở bến này sống qua ngày.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của người dân, quận Hồng Bàng cử cán bộ điều tra, xác minh quê quán của hơn 40 hộ dân đang sống tại xóm chài. Với những người có đất đai, nhà ở, sẽ đưa người dân về quê, ổn định cuộc sống. Với trường hợp đặc biệt, không có chỗ ở, đất đai…, quận Hồng Bàng đề nghị lãnh đạo thành phố có phương án an sinh xã hội đối với người dân. Những trường hợp không còn nhà, đất ở quê, phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương, nộp về UBND phường Minh Khai trước ngày 20-7. Trên cơ sở đó, quận Hồng Bàng tập hợp, báo cáo, đề xuất UBND thành phố tạo điều kiện thuê nhà ở xã hội; đồng thời hướng dẫn, giới thiệu việc làm phù hợp. Việc di dời không chỉ để thực hiện dự án, mà còn tạo điều kiện các hộ dân hướng tới cuộc sống ổn định hơn.
Nguyên Mai – Ảnh: Trung Kiên