UBND Quận Đồ Sơn vừa ban hành quyết định công bố dịch bệnh tả lợn Châu Phi (DTLCP) trên địa bàn quận Đồ Sơn.
Theo đó, thời gian xảy ra dịch bệnh tính từ ngày 19-4. Vùng có dịch là các phường Bàng La, Hợp Đức, Vạn Hương; vùng bị dịch uy hiếp là các phường Vạn Sơn, Ngọc Hải, Ngọc Xuyên, Minh Đức của quận Đồ Sơn và các xã, phường của huyện Kiến Thụy, quận Dương Kinh tiếp giáp vùng có dịch; vùng đệm là các xã, phường của huyện Kiến Thụy, quận Dương Kinh tiếp giáp vùng bị dịch uy hiếp.
UBND quận đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như: Tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn bị bệnh, nghi bị bệnh DTLCP; khoanh vùng ổ dịch, tiêu độc khử trùng; kiểm soát vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn và các sản phẩm của lợn; giám sát, cảnh báo dịch bệnh và quản lý chăn nuôi an toàn sinh học; tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh, diễn biến dịch bệnh, cách truyền lây của bệnh, các biện pháp phòng bệnh, xử lý khi dịch bệnh xảy ra, tuyên truyền người dân thực hiện “5 không” trong phòng, chống dịch.
Đồng thời tuyên truyền về bệnh DTLCP không lây nhiễm và gây bệnh cho người để người dân tích cực sử dụng thịt lợn, giảm khó khăn cho chống dịch.
Chủ tịch UBND quận cũng giao nhiệm vụ cho các ban, ngành, đơn vị liên quan tập trung đôn đốc, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các phường có dịch và các phường nằm trong vùng uy hiếp tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh; chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, vật tư, hóa chất kịp thời ngăn chặn dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng, theo dõi và tổng hợp tình hình diễn biến của dịch bệnh hàng ngày báo cáo về UBND quận, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố; phối hợp, hướng dẫn các phường có dịch và các phường trong vùng bị dịch uy hiếp thực hiện nghiêm Luật Thú y và áp dụng các biện pháp theo quy định về phòng, chống dịch bệnh DTLCP; thực hiện tiêu hủy đàn lợn đúng quy định và đảm bảo vệ sinh môi trường…
Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn quận, DTLCP đã xảy ra tại 7 hộ ở 4 tổ dân phố thuộc 3 phường; số lượng lợn tiêu hủy 272 con, chiếm 2,3% tổng đàn (tổng đàn trước dịch 11.963 con); trọng lượng tiêu hủy 16.466,5 kg.
NP