Print Thứ sáu, 08/03/2019 10:02

Bên cạnh kinh doanh dịch vụ du lịch, nghề khai thác thủy sản cũng là ngành kinh tế chính của người dân Đồ Sơn. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, khai thác thủy sản trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các tàu khai thác đang thiếu hụt lao động.

Ngư dân Đồ Sơn chuẩn bị ngư lưới cụ trước khi ra khơi đánh bắt

Anh Lưu Đình Cương ở phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn là một trong những chủ tàu trẻ nhất của quận Đồ Sơn. Không những vậy, anh còn là người đi đầu của địa phương khi mạnh dạn đóng mới tàu công suất lớn với nỗ lực nâng cao hiệu quả khai thác, tìm cách làm giàu từ chính nghề truyền thống mà cha ông để lại. Mỗi lần ra khơi, tàu của anh Cương còn tạo công ăn, việc làm cho khoảng 15 lao động, với thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng/người.

Tuy nhiên, có một thực tế mà không chỉ riêng tàu khai thác của anh Cương gặp phải, đó là lao động người Đồ Sơn trên tàu của anh khá ít mà chủ yếu là lao động tỉnh ngoài. Nguồn lao động này không ổn định, do họ thường chọn chủ tàu nào trả lương cao hơn để làm việc. Bên cạnh đó, nghề khai thác thủy sản vốn phải lênh đênh trên biển dài ngày, nhiều nguy hiểm, trong khi thu nhập và chế độ, chính sách khác như bảo hiểm không cao, lại chưa đầy đủ. Điều này khiến cho việc tìm kiếm được lao động gắn bó lâu dài là một bài toán vô cùng nan giải.

Một thực tế khác, ở nhiều gia đình ngư dân có hai, ba đời làm nghề khai thác thủy sản nhưng đến thế hệ trẻ hiện nay, các em thay vì chọn nghề đi biển của ông cha lại có xu hướng tìm việc ở đất liền. Sức hút từ các khu công nghiệp, các hoạt động dịch vụ, thương mại và nghề nghiệp khác có thu nhập ổn định, ít rủi ro đã khiến cho thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghề biển.

Tàu đánh bắt xa bờ cập bến cảng cá Ngọc Hải sau nhiều ngày ra khơi, bám biển

Chỉ dùng một phép so sánh đơn giản, trung bình, mỗi công nhân đang làm việc ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp tại khu vực quận Đồ Sơn thu nhập khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Công việc ổn định, lại không phải chịu hiểm nguy; trong khi lao động nghề cá phải chịu nhiều sóng gió, nguy cơ rủi ro cao mà thu nhập cũng chỉ nhỉnh hơn một chút.

Chính vì vậy, để ngư dân gắn bó, đam mê với nghề đi biển, nhất là đánh bắt xa bờ, ngoài những chính sách hỗ trợ về vốn đóng mới tàu cá, bảo hiểm thân vỏ… thì một trong những yếu tố quan trọng là cần quan tâm đến chính sách, cơ chế dành cho người lao động nghề cá.

Theo ông Hoàng Đình Dũng – Trưởng phòng Kinh tế quận Đồ Sơn cho biết, để giải bài toán thiếu hụt lao động nghề cá như hiện nay, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tăng cường nguồn ngân sách quận cho các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế thủy sản trên địa bàn với mục tiêu giúp ngư dân nâng cao thu nhập cải thiện đời sống. Đồng thời, khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, áp dụng máy móc, khoa học kỹ thuật để khai thác nguồn lợi hải sản có hiệu quả, chất lượng.

Cùng với đó, hàng năm, quận cũng phối hợp với Trường trung cấp nghề thủy sản Hải Phòng tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn thuyền viên cho các lao động ở trên địa bàn; phối hợp cùng Đồn Biên phòng Đồ Sơn tổ chức hàng chục lớp tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến thủy sản cho các chủ tàu cá; lãnh đạo Nghiệp đoàn nghề cá các phường trực tiếp đi làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm cho các chủ tàu.

Được biết, quận Đồ Sơn hiện có gần 190 tàu khai thác thủy sản với gần 1 nghìn lao động. Sản lượng khai thác thủy sản của quận năm 2019 dự kiến chỉ còn 9.350 tấn, giảm khoảng 650 tấn so với năm 2018. Để nâng cao hiệu quả khai thác, quận Đồ Sơn đã ban hành nghị quyết riêng về giải pháp phát triển kinh tế thủy sản địa phương. Trong đó, bên cạnh 50% hỗ trợ của Nhà nước, quận sẽ hỗ trợ toàn bộ 50% còn lại trong chi phí mua bảo hiểm cho các tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên trên địa bàn.

Hải Ngân

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Quận Đồ Sơn: Thiếu hụt lao động thủy sản
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác