139 tác phẩm mỹ thuật của 131 tác giả được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ 23- Hải Phòng 2018. Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật Trung ương, bên cạnh những ưu điểm, nhìn chung các tác phẩm rơi vào tình trạng an toàn, chuẩn mực, thiếu sự bứt phá để tạo ấn tượng mạnh với người xem.
Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng thu hút nhiều người dân, giới làm nghề.
Ảnh: Đỗ Hiền
Chất lượng khá đồng đều
Là sự kiện mỹ thuật thường niên, Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ 23- Hải Phòng 2018 khai mạc sáng 23-8 trong sự náo nức của đông đảo giới nghệ sĩ tạo hình khu vực Đồng bằng sông Hồng gồm 9 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Bình. Triển lãm giới thiệu những tác phẩm sáng tác mới nhất từ tháng 7-2017 đến tháng 6-2018 của các họa sĩ là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên hoặc chưa phải hội viên Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật (VHNT) 9 tỉnh, thành phố. Các tác phẩm cho thấy sự lớn mạnh của đội ngũ sáng tác mỹ thuật và chất lượng tác phẩm của các tác giả trong năm. Qua đó, góp phần động viên sáng tác, nhất là các họa sĩ, nhà điêu khắc ở các tỉnh xa trung tâm, số lượng họa sĩ không nhiều. Đây cũng là dịp đưa mỹ thuật đến với người xem, là ngày hội của giới nghệ sĩ tạo hình trong khu vực.
Với Hải Phòng, đây là lần thứ 5 thành phố đăng cai tổ chức Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng. Triển lãm nhận được 381 tác phẩm của 264 tác giả.
Không chỉ là địa phương có nhiều tác giả đoạt giải, Hải Phòng cũng là địa phương có nhiều tác phẩm được lựa chọn trưng bày nhất.
Về chất lượng các tác phẩm triển lãm, theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật Trung ương, khu vực Đồng bằng sông Hồng là trung tâm mỹ thuật có truyền thống, có số hội viên lớn so với khu vực, tác phẩm có chất lượng khá đồng đều. Mỹ thuật khu vực vẫn quan tâm đến sáng tác mới trong cơ chế thị trường, có đủ các loại chất liệu của hội họa, đồ hoạt, điêu khắc. Trong đó, mỹ thuật Hải Phòng có bước phát triển cả về số lượng tác giả, hoạt động giao lưu triển lãm và thúc đẩy sáng tác, khẳng định vị trí là trung tâm khu vực.
Không để khả năng sáng tạo bị ràng buộc, giới hạn
Điểm nhấn tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ 23- Hải Phòng 2018 là sau phần lễ khai mạc, trao giải, tham quan triển lãm là phần tọa đàm chuyên môn giữa các thành viên Hội đồng nghệ thuật và các họa sĩ, nhà điêu khắc trong khu vực. Theo đánh giá của giới chuyên môn, bên cạnh kết quả đạt được, các tác phẩm hội họa, đồ họa còn thiếu sự đột phá trong nghệ thuật, cả về ngôn ngữ và bút pháp tạo hình. Tác phẩm điêu khắc cũng thiếu đầu tư, tìm tòi, sáng tạo. Các tác phẩm mỹ thuật cơ bản chưa bám sát thực tế đời sống của khu vực có biển và đồng bằng. Vì thế, trong bộ giải, Hội đồng nghệ thuật không chọn được tác phẩm trao giải A.
Họa sĩ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, thành viên Hội đồng nghệ thuật nhận xét: những tác phẩm năm nay “đều đều”, thiếu sự nổi bật. Quá trình chấm tác phẩm để trao giải cho thấy, một số tác giả có tên tuổi khi thể hiện tác phẩm có sự tìm tòi nhưng chưa đạt đến đỉnh cao. Ví dụ, một số họa sĩ chưa phát huy được thế mạnh của mình khi chọn màu; một số họa sĩ chọn đề tài tốt, có đổi mới trong cách tạo hình nhưng bố cục tranh lại thừa chi tiết; số họa sĩ ở thể loại tranh khắc gỗ còn dễ dãi ở việc bôi màu, cảnh sắc bị chi phối nhiều. Cũng là thành viên Hội đồng nghệ thuật, họa sĩ đồ họa Vũ Đình Tuấn thẳng thắn: “Dường như các họa sĩ chấp nhận, bằng lòng với sự an toàn, chuẩn mực chung mà thiếu sự bứt phá, gây ấn tượng sâu sắc với Hội đồng nghệ thuật và người xem. Ngay như tác phẩm được cho là đẹp nhất của triển lãm – tác phẩm lụa “Hồi ức sông Hồng” của Nguyễn Việt Anh, cách nhìn, cách tạo hình, cách sử dụng màu sắc vẫn trong mức an toàn, trong khi khả năng của Việt Anh có thể làm tốt hơn. Với tranh khắc gỗ, đồ họa không chỉ số lượng ít, các tác giả cũng chưa tạo được sự bứt phá, khác lạ”.
“Sự an toàn, chuẩn mực là điều cần thiết trong sáng tạo tác phẩm. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, nên đôi khi sự an toàn, chuẩn mực thái quá lại giới hạn khả năng sáng tạo của họa sĩ, nhà điêu khắc. Đôi khi sự chênh vênh, thiếu vắng, nghiêng chỗ này, đổ chỗ kia lại tạo nên những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng, thể hiện dụng ý, cách nhìn táo bạo của người họa sĩ về hiện thực cuộc sống. Vì thế, giới tạo hình khu vực cần nghiên cứu, tìm ra lối đi riêng, có sự bứt phá ngoạn mục hơn trong cách nhìn, cách thể hiện”, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật nhấn mạnh về các vấn đề rút ra qua Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ 23 – Hải Phòng 2018.
Đông Hải – Báo Hải Phòng 28/8/2018
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…
Tối 11/1, tại Nhà hát thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Sau khi sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành sẽ giảm 13/13 tổng…
Bộ trưởng Nội vụ vừa có báo cáo bổ sung, trong đó thành lập Bộ…
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More