Trong đợt cao điểm Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) từ ngày 15/4 đến 15/5, toàn thành phố thành lập 246 đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó có 15 đoàn tuyến thành phố, 14 đoàn tuyến quận, huyện và 217 đoàn tuyến xã, thanh tra, kiểm tra tổng số 8.164 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua đó nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vừa kiểm tra, vừa nhắc nhở, kịp thời xử lý vi phạm
Kiểm tra tại hộ kinh doanh Nguyễn Thu Hoài, ở địa chỉ số 409 phố Tô Hiệu, phường Hồ Nam (quận Lê Chân), Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 thành phố ghi nhận đơn vị có đủ tủ bảo quản khoảng 20 loại hoa quả kinh doanh; sản phẩm được bày trên giá kệ. Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ giấy tờ liên quan, Đoàn kiểm tra nhắc nhở chủ hộ kinh doanh nghiêm túc lưu ý giấy công nhận đủ điều kiện kinh doanh phải ghi rõ địa chỉ kinh doanh cụ thể và yêu cầu xuất trình đầy đủ tất cả hợp đồng kinh tế mua bán sản phẩm, hóa đơn chứng từ liên quan đến xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm và hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm… Sau khi nghe ý kiến kết luận của Trưởng đoàn kiểm tra, chị Nguyễn Thị Thu Hoài cho biết: “Với những lỗi Đoàn kiểm tra chỉ ra, tôi xin hứa sẽ khắc phục và sớm cung cấp các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm”.
Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố (Sở Y tế), trong Tháng hành động vì ATTP vừa qua, UBND các cấp thành lập tổng số 246 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành; thanh tra, kiểm tra 8.164 cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm; 14 Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP cấp huyện; 124 Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP cấp xã. Trong 8.164 cơ sở được kiểm tra có 7.209 cơ sở đạt yêu cầu, 55 cơ sở vi phạm bị xử lý với số tiền phạt 323,650 triệu đồng. Các cơ sở vi phạm các lỗi chủ yếu gồm: Thực hiện không đúng chế độ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; giấy chứng nhận an toàn tàu cá hết hạn; không niêm yết giá đúng theo quy định. Ngoài ra, Đoàn kiểm tra thuộc Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố) tiến hành tiêu hủy 215kg nội tạng động vật các loại. Các đoàn kiểm tra thành phố cũng tiến hành lấy 8 mẫu nông sản để xét nghiệm, kết quả 8/8 mẫu đạt yêu cầu. Các đoàn kiểm tra tuyến xã, huyện tiến hành xét nghiệm nhanh 3.500 mẫu, chủ yếu là thử nhanh tinh bột, hàn the, trong đó có 3.213 mẫu đạt yêu cầu, Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Nguyễn Xuân Chiến thông tin.
Cần triển khai đồng bộ các giải pháp
Qua thực tế kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành các cấp cho thấy, công tác quản lý ATTP trên địa bàn còn gặp không ít vướng mắc, khó khăn. Cụ thể, cùng lĩnh vực ATTP nhưng 3 Bộ (Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng tham gia quản lý; tại thành phố cũng tương tự 3 sở quản lý dẫn tới thiếu thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý, chồng chéo, còn bỏ ngỏ địa bàn, cơ sở. Ngày 7/2/2023, UBND thành phố ban hành văn bản số 240 về việc chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố, trong đó yêu cầu chỉ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho cơ sở khi đầy đủ các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường và bảo đảm đúng mục đích sử dụng đất, đúng giấy phép xây dựng, môi trường. Tuy nhiên, nội dung này triển khai thực hiện trên thực tế gặp khó khăn vì không phải cơ sở nào cũng đáp ứng đủ các tiêu chí này. Nguồn kinh phí cho công tác bảo đảm ATTP, nhất là tại tuyến quận, huyện, xã, phường, thị trấn chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, tuy nhiên xử lý vi phạm hành chính còn hạn chế, nhất là việc xử lý vi phạm ở tuyến xã, phường rất thấp. Việc xây dựng các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố chưa được thực hiện theo đúng quy hoạch, chưa đáp ứng yêu cầu về kiểm soát an toàn các sản phẩm thịt trước khi đưa tới người tiêu dùng…
Trước thực trạng trên, Sở Y tế, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý ATTP theo hướng một đầu mối từ Trung ương đến địa phương; Bộ Y tế tham mưu sửa đổi Luật ATTP. Đồng thời, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo, triển khai dứt điểm việc xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố; chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biện pháp quản lý mạnh đối với các cơ sở nhỏ lẻ, không bảo đảm ATTP. Trong đó, kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm tươi sống, chú trọng nguồn thực phẩm tươi sống từ tỉnh ngoài đưa vào thành phố tiêu thụ; nguồn thực phẩm tươi sống cung cấp vào các bếp ăn tập thể và trường học. Đồng thời, tăng nguồn kinh phí cho công tác bảo đảm ATTP; sửa đổi nội dung tại văn bản số 240 để phù hợp thực tế và theo quy định của Luật An toàn thực phẩm. Sở Y tế cũng đề nghị Sở Công Thương hướng dẫn việc thực hiện cam kết bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành quản lý. UBND các quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm có dấu hiệu vi phạm. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra chú trọng phát hiện các vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật, không để sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường; thông tin rộng rãi các cơ sở vi phạm, sản phẩm không bảo đảm an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân cùng biết./.
Bài và Ảnh: Nam Giang