3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh gồm PVTex Đình Vũ, Ethanol Quảng Ngãi và Ethanol Bình Phước, hiện có PVTex Đình Vũ vận hành sản xuất trở lại.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại diễn đàn kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14, trong số 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, đến nay đã có kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Cụ thể, trong số này, có 2 nhà máy đã khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và có lãi, mặc dù số lãi còn ở mức khiêm tốn nhưng doanh nghiệp bắt đầu tham gia lại thị trường và hoạt động có hiệu quả. Đó là Nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ và Nhà máy thép Việt Trung. Đặc biệt, nhà máy thép Việt Trung về cơ bản trong một thời gian ngắn nữa có thể xin phép đưa ra khỏi 12 dự án thua lỗ vì hoạt động trở lại bình thường và khắc phục được những tồn tại cơ bản, cả về điều lệ, cả về mặt pháp lý cũng như quản trị của doanh nghiệp.
3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh gồm PVTex Đình Vũ, Ethanol Quảng Ngãi và Ethanol Bình Phước, hiện có PVTex Đình Vũ vận hành sản xuất trở lại. Hiện nhà máy đã ký hợp đồng để bao tiêu sản phẩm với các đối tác nước ngoài và vận hành trở lại hoạt động từng bước, trước mắt là 1 dây chuyền, đến cuối năm cả 3 dây chuyền đi vào hoạt động. Bộ Công Thương sẽ xem xét để tiếp tục thực hiện các biện pháp thoái vốn Nhà nước ra khỏi dự án này khi hoạt động kinh doanh bắt đầu có hiệu quả.
4 dự án khác từng bước giảm lỗ, hoạt động sản xuất kinh doanh đang đi vào ổn định gồm nhà máy phân đạm Ninh Bình, nhà máy đạm Hà Bắc, nhà máy DAP số 2 Lào Cai và Công ty đóng tàu ở Dung Quất. Đối với dự án gang thép Thái Nguyên thực hiện theo đúng lộ trình, đã rút được 1.000 tỷ đồng vốn Nhà nước ra khỏi dự án này. Đồng thời, cơ quan chức năng đang tiếp tục hoàn thiện các quy trình pháp lý để tổ chức thoái vốn của Nhà nước ra khỏi hai dự án gang thép Thái Nguyên cũng như Tisco của Tổng Công ty Thép, bảo vệ nguồn vốn của Nhà nước và tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới giải quyết những tồn đọng với các nhà thầu.
Báo Hải Phòng ngày 28/05/2018