Phường Minh Đức, quận Đồ Sơn là một trong số các địa phương có Dự án xây dựng đường bộ ven biển (Dự án) đi qua. Công tác GPMB được xem là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Với việc nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, nhanh chóng tổ chức đối thoại để tìm ra tiếng nói chung, nhiều “nút nghẽn” đã được người dân và chính quyền địa phương giải quyết ngay tại cơ sở.
Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua phường Minh Đức đang được các nhà thầu tiến hành thi công
Khó chồng lên khó
Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn tuyến đi qua địa bàn phường Minh Đức có tổng chiều dài 2,9km, qua 5 tổ dân phố: Nguyễn Huệ, Quang Trung, Ngô Quyền, Đề Thám và Dân Tiến. Theo đó, tổng diện tích đất thu hồi là 148.451,7 m2 của 254 gia đình, cá nhân và tổ chức; trong chỉ giới là 147.993 m2, ngoài chỉ giới là 1.209,7 m2.
Xác định đây là Dự án trọng điểm, Đảng ủy phường Minh Đức đã ban hành nghị quyết chuyên đề riêng về công tác GPMB bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Về cơ bản, phần lớn các hộ dân đều nhất trí, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong công tác kiểm kê tài sản, vật kiến trúc, cây cối phục vụ phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác GPMB không tránh khỏi gặp trở ngại như: Nguồn gốc đất phức tạp, còn không ít hộ dân có đất ở bị thu hồi chưa nhất trí với giá đất bồi thường của thành phố; thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất còn gặp nhiều vướng mắc.
Một số trường hợp chưa được quy định trong Luật Đất đai và các văn bản thi hành luật, từ đó không có cơ sở để tính toán bồi thường cho người dân. Điển hình như: bồi thường, hỗ trợ đối với đất vườn kề, đất giao trái thẩm quyền sau ngày 1-7-2004, các công trình xây dựng được cấp phép tạm…
Chính sách hỗ trợ cho người dân phần lớn chỉ hỗ trợ về tiền, công tác hỗ trợ đào tạo hướng nghiệp để người dân có đất bị thu hồi xác định, lựa chọn việc làm, lựa chọn hướng chuyển đổi nghề nghiệp chưa có, gây khó khăn cho người dân trong việc tìm kiếm việc làm mới, ổn định cuộc sống…
Bên cạnh đó, việc thu hồi đất để GPMB còn tác động mạnh đến quyền lợi và nghĩa vụ cũng như tâm tư, tình cảm của bà con; phát sinh nhiều tình huống phức tạm ảnh hưởng đến ANTT như: mâu thuẫn, tranh chấp, đơn thư khiếu kiện kéo dài, ngăn cản thi công cưỡng chế, chống người thi hành công vụ. Ngoài ra, một số đối tượng xấu còn lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện Dự án để chống đối kích động người dân, chia rẽ đoàn kết, gây ra các vụ việc vi phạm pháp luật…
Gỡ khó ngay tại cơ sở
Ngay khi Dự án được khởi động, phường Minh Đức đã xây dựng 5 tổ công tác thuộc 5 tổ dân phố. Hỗ trợ cho cấp ủy, chính quyền địa phương là lực lượng Công an phường thường xuyên tới từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động bà con không để những đối tượng xấu lợi dụng kích động, gây mất ANTT.
Tính đến thời điểm hiện tại, phường Minh Đức đã tổ chức hơn 70 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các vấn đề liên quan đến GPMB Dự án tới người dân; tiến hành hơn 100 lượt thuyết phục, vận động các hộ dân, thực hiện hơn 40 cuộc đối thoại trực tiếp giải quyết các kiến nghị, thắc mắc trong dân.
UBND phường Minh Đức phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất quận bàn giao tiền bồi thường GPMB cho các hộ dân
Ông Bùi Đức Duy – Chủ tịch UBND phường Minh Đức cho biết, để giúp người dân nhận thức rõ các quy định pháp luật và các quyền lợi, nghĩa vụ khi nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án, UBND phường đã cùng các đơn vị liên quan triển khai rất nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo công bằng, khách quan, nhất là vận dụng nhưng quy định có lợi nhất cho bà con có đất bị thu hồi.
Cũng theo ông Duy, khó khăn nhất trong công tác GPMB chính là việc vận động các hộ dân di dời mồ mả, hòa giải việc tranh chấp đất đai giữa các hộ dân có Dự án đi qua. Có những trường hợp phường phải tiến hành hòa giải đến 10 lần mới nhận được sự đồng thuận.
Nhớ lại thời điểm vận động 28 hộ gia đình di chuyển mồ mả khỏi khu vực Dự án, ông Duy tâm sự, mồ mả là vấn đề tâm linh, không phải nói là làm ngay được. Nằm trên tuyến đường Dự án đi qua có 40 ngôi mộ là thân nhân của 28 hộ gia đình. UBND quận đã phải ra phương án tạm ứng trước tiền đền bù, đồng thời phối hợp với UBND phường tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại, vận động các hộ dân di chuyển phần mộ trước tháng 11 – 2017 âm lịch.
Trong đó, trường hợp của gia đình ông Bùi Quốc C., tổ dân phố Quang Trung là bài toán “khó” nhất đối với địa phương. Sau nhiều lần xuống tận gia đình phân tích bằng tình, bằng lý, cuối cùng ông C. cũng nhất trí di dời mộ của người thân. Nút thắt khó nhất được tháo gỡ, tạo điều kiện để việc vận động các hộ dân khác di dời cũng nhanh chóng được thực hiện.
Trường hợp tranh chấp đất nông nghiệp của 2 hộ gia đình các bà Đinh Thị M. và Phạm Thị L., thuộc tổ dân phố Ngô Quyền lại là một câu chuyện khác. Năm 2000, gia đình bà M. có chuyển nhượng hơn 400m2 đất ruộng cho gia đình bà L. sử dụng với số tiền 1 triệu đồng.
Do không có giấy tờ bàn giao nên khi Dự án đi qua, hai gia đình xảy ra tranh chấp về việc hưởng tiền đền bù. Dựa trên tình hình thực tế và với những lý lẽ đầy thuyết phục, sau 7 lần làm việc, UBND phường cuối cùng cũng đã giải quyết ổn thỏa mâu thuẫn giữa đôi bên.
Tính đến thời điểm này, UBND phường Minh Đức đã phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất quận Đồ Sơn chi trả cho 238/239 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức với số tiền hơn 110 tỷ đồng. Trong thời gian tới, phường tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ gia đình còn lại thống nhất với phương án bồi thường của nhà nước, nhanh chóng bàn giao mặt bằng để Dự án được thực hiện đúng tiến độ.
Hải Ngân – An ninh Hải Phòng 04/11/2018
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More