Sáng 31-3 (tức 15-2 âm lịch), phường Đông Hải 1 tổ chức lễ hội truyền thống Đình Phương Lưu. Tới dự lễ hội có lãnh đạo và đông đảo bà con nhân dân địa phương.
Nơi thờ tự của Đình Phương Lưu
Trước đó, ngày 30-3 (tức ngày 14-2), tại Đình Phương Lưu đã diễn ra các hoạt động văn hóa tâm linh và các trò chơi dân gian mang đậm phong cách của cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ như: thi múa lân sư rồng, bịt mắt bắt vịt…
Đình Phương Lưu là một di tích có giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh và là niềm tự hào của người dân phường Đông Hải nói chung và bà con nhân dân làng Phương Lưu xưa và là các tổ dân phố Phương Lưu ngày nay.
Cũng như nhiều di tích trên địa bàn thành phố, quận Hải An, đình Phương Lưu là một trong những nơi thờ Đức Vương Ngô Quyền, người có công đánh tan giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng lịch sử năm 938.
Được xây dựng vào năm Mậu Tuất, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 14 (năm 1717), thờ Đức Vương Ngô Quyền làm thành hoàng, đình có cấu trúc hình chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, được làm bằng gỗ lim nguyên cây theo phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Lê – Trịnh.
Các đại biểu thắp hương tại lễ hội Đình Phương Lưu
Sau gần 300 năm tồn tại, mặc dù đã nhiều lần được trùng tu nhưng do thời gian, khí hậu nên đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Năm 2015, được sự đồng ý của thành phố, quận Hải An, với chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương, phường Đông Hải I đã tích cực tuyên truyền vận động bà con nhân dân, các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp công đức phục dựng lại ngôi đình.
Sau gần một năm tích cực tuyên truyền vận động, các doanh nghiệp và nhân dân địa phương đã xây mới phục dựng ngôi đình theo đúng nguyên trạng với tổng kinh phí lên đến gần 4 tỷ đồng hoàn toàn từ nguồn kinh phí xã hội hóa, trong đó Công ty TNHH Tân Hồng đã ủng hộ toàn bộ kinh phí xây mới phụng dựng nguyên trạng đình Phương Lưu.
Việc tổ chức lễ hội truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh là cầu phúc, cầu an, đồng thời mang ý nghĩa về truyền thống dân tộc sâu sắc.
Trở thành điểm hội tụ, điểm đến của những tấm lòng luôn hướng về cội nguồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, từ đó nâng cao ý thức đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái giữa các gia đình, họ tộc và cộng đồng xã hội.
(An ninh Hải Phòng 02/04/2018)