Phụ huynh than: Sao các tỉnh miễn giảm, Hà Nội liên tục tăng học phí?

“TPHCM miễn học phí, Hà Nội thì liên tục tăng. Lương “ba cọc ba đồng” nuôi 2 con ăn học vất vả quá!” – đây là than thở của nhiều phụ huynh khi Hà Nội tiếp tục tăng học phí từ 26,3 đến 40% trong năm học 2019-2020.

Hà Nội liên tiếp tăng

Ngày 8.7, tại kỳ họp thứ 9, Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội đã thông qua nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2019-2020. Nếu như năm học 2018-2019, học phí tại Hà Nội đã tăng từ 35,7 đến 40,9% thì năm nay tiếp tục tăng từ 26,3 đến 40%.

Mức học phí của Hà Nội 5 năm gần đây. BĐ: Huyên Nguyễn

Ngay sau khi thông tin được công bố, trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh đã bày tỏ băn khoăn về mức tăng học phí này.

Phụ huynh Nguyễn Minh Tuệ (Kim Giang, Hoàng Mai) cho rằng: “Trong khi các thành phố lớn như TPHCM, Hải Phòng thực hiện chủ trương miễn, giảm thì năm nào Hà Nội cũng tuyên bố tăng. Năm nay, có nơi tăng đến 40%. Với lương “ba cọc ba đồng” như vợ chồng tôi, mức tăng như vậy đáng phải suy nghĩ”.

Chị Tuệ còn lo lắng khi mà 2 con đi học không chỉ có chuyện tăng học phí mà mỗi năm, các khoản thu khác như đồ dùng học tập, vệ sinh, sách giáo khoa, học thêm, đồng phục, câu lạc bộ… đều tăng. Tính ra, khi nhập học phải tăng thêm từ 2-3 triệu đồng/học sinh.

Anh Đoàn Văn Khanh (Văn Quán, Hà Đông) còn bày tỏ băn khoăn với sự phát triển chung của thành phố. “Để có tiền nộp học phí cho con với mức tăng đó, tôi có thể chắt bóp, nhịn mua sắm, nhịn nhậu đi một chút. Tuy nhiên, tôi thấy ở các nước phát triển đều tiến tới miễn giảm học phí, chủ trương của nhà nước, của nhiều tỉnh, thành phố đều vậy. Nhưng tại sao Hà Nội lại tăng liên tiếp? Liệu rằng, Hà Nội có thực sự đang phát triển xứng tầm?”.

Cần hạn chế các khoản thu khác

Ở một góc nhìn khác, anh Nguyễn Văn Luân (Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lại cho rằng với mức tăng học phí từ 5.000 đồng đến 62.000 đồng/tháng, phụ huynh Hà Nội hoàn toàn có thể nộp cho con. Điều anh Luân trăn trở là mức tăng học phí có thực sự tương xứng với chất lượng?

“Hàng năm, Hà Nội có khoảng 2 triệu học sinh. Số học phí 1 học sinh là nhỏ nhưng nhân lên cả triệu lần thì rất lớn. Tôi kỳ vọng, việc tăng học phí sẽ giúp cơ sở vật chất của Hà Nội tốt hơn, học sinh không phải học lớp vượt sĩ số”, anh Luân nói.

Mức học phí năm học 2019-2020 của Hà Nội.

Trước những lo ngại của phụ huynh về việc tăng học phí, PGS.TS Bùi Thị An – đại biểu Quốc hội khoá XIII cho rằng đầu tư cho giáo dục phải được ưu tiên nhất vì liên quan đến phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực. Tuy vậy, các cấp chính quyền, các nhà trường vẫn cần thiết quan tâm đến các hoàn cảnh gia đình khó khăn bởi với những người đã khó, đã khổ thì vài chục nghìn đồng với họ cũng quý.

Bà An còn nhấn mạnh việc công khai các khoản thu, chi, mục đích thu, kể cả học phí để phụ huynh nắm rõ và giám sát; tạo sự đồng thuận giữa ngành giáo dục, nhà trường với phụ huynh. Các đơn vị cần khắc phục được tình trạng lạm thu, sử dụng kinh phí sai mục đích, học phí tăng 1 nhưng các khoản thu khác tăng nhiều lần.

UBND TP. Hà Nội: Mức học phí còn thấp

Theo tờ trình về quy định mức thu học phí năm học 2019-2020 của UBND TP. Hà Nội, tổng số học phí công lập các cấp năm học 2018-2019 khoảng 965,779 tỉ đồng, chiếm 11% trong tổng số chi. Nguồn thu học phí đã hỗ trợ một phần cùng với ngân sách nhà nước đáp ứng nhu cầu chi phục vụ dạy và học.

Mức thu học phí hiện nay ở mức thấp trong khung học phí theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, các đơn vị phải sử dụng 40% tổng thu học phí để chi thực hiện cải cách tiền lương, như vậy chỉ còn 60% học phí chi phục vụ dạy và học. 

Bên cạnh đó, theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, Hà Nội là một trong những địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn khá nhiều so với mức trung bình của cả nước, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 3 cả nước.

Tuy nhiên, mức học phí lại thấp hơn một số thành phố trực thuộc Trung ương và Đồng bằng sông Hồng. Do vậy, chưa huy động được nguồn lực của người dân đóng góp cho giáo dục.

Vì thế, UBND TP. Hà Nội đề nghị tăng mức học phí ở một số nhóm. Mức tăng một phần để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, phần còn lại để chi cho sự nghiệp giáo dục hằng năm.

Tổng mức thu học phí theo dự kiến mới là 1.118,672 tỉ đồng, tăng 152,893 tỉ đồng so với năm học trước.

HUYÊN NGUYỄN Theo Báo Lao động

Nguồn tin: Báo Lao động

Tin khác

Tổng kết và trao giải Báo chí “Vì một Hải Phòng phát triển” năm 2024

Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…

20/12/2024

Viettel sẵn sàng tạo lập cầu nối để 5G thực sự trở thành động lực góp phần thay đổi cuộc sống

Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…

19/12/2024

Huyện An Dương hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024

Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…

19/12/2024

Lãnh đạo thành phố dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…

19/12/2024

Định hướng sắp xếp sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…

19/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More