Cùng với những con số bứt phá trong thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài thì số lượng người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố cũng tăng đáng kể. Nhân sự kiện về họp nhóm công nhân nhà trọ quý I/2019, phóng viên Báo An ninh Hải Phòng đã có cuộc trao đổi nhanh với bà Phạm Thị Hằng-Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng về một số vấn đề bức thiết hiện nay.
Bà Phạm Thị Hằng tại một cuộc nói chuyện với người lao động
PV: Bà có thể cho biết những vấn đề bức thiết đặt ra hiện nay đối với người lao động tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế (KCN, KKT) trên địa bàn thành phố là gì, thưa bà?
Bà Phạm Thị Hằng:Từ các cuộc tiếp xúc, làm việc với cả doanh nghiệp và người lao động, tôi nhận thấy, vấn đề “nóng” đầu tiên phải nói đến đó là việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động. Cụ thể là chính sách tiền lương chưa tương xứng nên công nhân phải làm thêm giờ mới có đủ thu nhập để đảm bảo chi tiêu cho cuộc sống. Tiếp đến là việc thực hiện các quy định đối với lao động nữa còn hạn chế. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ sớm tham mưu cho Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện để chị em bớt thiệt thòi.
Lĩnh vực “nóng” tiếp theo là việc thực hiện quy chế dân chủ tại các doanh nghiệp, nhất là tỷ lệ các hội nghị của người lao động theo đúng quy trình, quy định pháp luật cũng còn thấp. Cuối cùng là chuyện nói mãi, các thiết chế như khu nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi vui chơi giải trí… của người lao động hiện vẫn còn rất thiếu.
Họp nhóm xóm công nhân nhà trọ
PV: Với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động, Công đoàn Khu kinh tế đã khắc phục những hạn chế trên như thế nào, thưa bà?
Bà Phạm Thị Hằng: Thời gian qua, chúng tôi đã kiên trì, nỗ lực tập trung bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở trong việc tiếp cận, tiếp xúc, lấy ý kiến của người lao động. Đồng thời, tăng cường thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp, từ đó làm cơ sở để đảm bảo việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động với mức cao hơn so với quy định pháp luật. Chúng tôi cũng kịp thời nắm bắt, giải quyết vướng mắc của người lao động trong các tình huống doanh nghiệp xử lý chưa đúng theo quy định pháp luật, nhất là tình trạng sa thải người lao động, qua đó để người lao động tin tưởng hơ vào tổ chức công đoàn.
Sau những giờ làm việc hay những ngày nghỉ, chúng tôi phối hợp với các doanh nghiệp duy trì tổ chức nhiều hoạt động như: Xuân yêu thương, mái ấm công đoàn, họp nhóm công nhân xóm trọ, hội diễn văn nghệ, thi nữ công nhân thanh lịch, bữa cơm cuối tuần, phát cháo từ thiện… qua đó tạo sân chơi, sự gắn kết giữa người lao động với tổ chức công đoàn, với doanh nghiệp.
PV: Những nhiệm vụ chính của Công đoàn Khu kinh tế trong năm 2019 là gì, thưa bà?
Bà Phạm Thị Hằng: Tín hiệu đáng mừng là đến thời điểm hiện tại, chưa có doanh nghiệp nào trong KCN, KKT nợ bảo hiểm xã hội của người lao động. Một số doanh nghiệp nước ngoài thực hiện khá tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động như Regina, Crystal Sweater, LGE, Lihit Lab, Kyocera…
Song chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là các chính sách, quy định pháp luật luôn có sự thay đổi nhưng các doanh nghiệp, người lao động lại chưa được nắm bắt, hướng dẫn kịp thời nên việc chấp hành chưa đầy đủ. Mục tiêu của mọi hoạt động của chúng tôi đều hướng đến là cập nhật, nâng cao kiến thức, nhận thức để người lao động hiểu về quyền của mình và tự bảo vệ mình.
Cụ thể hơn, chúng tôi giám sát, nâng cao chất lượng, tỷ lệ các doanh nghiệp có thoả ước lao động tập thể, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, từ đó phát triển thêm đoàn viên. Phát huy vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi của người lao động, trong tình huống chủ sử dụng lao động sa thải lao động trái quy định, chúng tôi sẽ tiến hành khởi kiện. Tiếp đến chúng tôi cũng sẽ tiếp tục duy trì, phát triển thêm nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên và người lao động tại các KCN, KKT.
PV: Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Kim Oanh thực hiện