Print Thứ bảy, 26/01/2019 23:16

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2018, toàn thành phố xảy ra 85 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) các loại, làm 8 người chết, 16 người bị thương nặng. Đây mới là những vụ do doanh nghiệp báo cáo, thực tế số vụ TNLĐ xảy ra nhiều hơn, nhất là trong những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có nguy cơ TNLĐ cao như xây dựng, khai thác vật liệu, cơ khí…

 

Xây dựng là lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động do đó người lao động cần trang bị các phương tiện bảo hộ khi làm việc.

Ảnh: TRUNG KIÊN

 

Thiệt đủ đường


Anh Nguyễn Văn Mạnh, ở xã Liên Am (huyện Vĩnh Bảo) là nạn nhân vụ TNLĐ xảy ra năm 2017, hậu quả theo anh đến tận bây giờ và sau này. Khi đó anh làm sắt cho một công trình nhà dân, chủ nhà giữ lại bức tường xây của ngôi nhà cũ nhưng lại khoét sâu chân tường để gắn sắt đổ móng. Đang làm, anh cùng tốp thợ 3 người bị bức tường đổ sập vào người. Anh Mạnh bị thương gãy chân, gãy xương sườn, dập cơ, đa chấn thương… Anh nằm viện điều trị mất gần 1 tháng. Sau khi xuất viện, do sức khỏe suy giảm, chân đi “tập tễnh”, anh Mạnh không còn làm được các việc nặng, đành xin làm bảo vệ trông xe mỗi tháng được 3 triệu đồng. Thu nhập giảm sút nên cuộc sống gia đình anh thêm khó khăn. Còn chủ thầu công trình nhà xây đó cũng “không sung sướng gì” khi phải bỏ ra gần 50 triệu đồng lo thuốc thang, chi phí bệnh viện cho các nạn nhân. Anh Lưu Đình Chung, xóm Sản Xuất, phường Ngọc Hải (quận Đồ Sơn) là lao động đi biển. Chỉ trong năm 2017, anh Chung 2 lần bị tời đánh vào tay, mất một ngón ở bàn tay phải, sức khỏe suy giảm.

 


Từ đầu năm 2018 đến nay, theo thống kê mới nhất có 8 người lao động chết vì tai nạn lao động. Năm 2017, con số này là 13 người. Mỗi vụ TNLĐ xảy ra, phần thiệt thòi trước hết thuộc về bản thân và gia đình người lao động (NLĐ). Hầu hết lao động đều là trụ cột chính trong gia đình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ già, con nhỏ. TNLĐ cướp đi mạng sống của họ cũng khiến các gia đình mất đi chỗ dựa, cuộc sống thêm vất vả, khó khăn. Về phía các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, phải chi trả một khoản kinh phí không nhỏ để lo mai táng, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn, tuyển bổ sung lao động mới để bảo đảm công việc sản xuất, kinh doanh. Đối với nhà nước phải thực hiện các chế độ với NLĐ, gia đình người bị nạn, lo các chính sách an sinh xã hội đi kèm đối với người thân của họ như vợ/chồng, con, bố mẹ. Theo thống kê, năm 2017, số tiền doanh nghiệp bỏ ra hỗ trợ và khắc phục hậu quả TNLĐ lên đến hơn 2,4 tỷ đồng.


Đẩy mạnh tuyên truyền, nêu cao trách nhiệm


Nguyên nhân các vụ TNLĐ đa dạng, có cả lỗi chủ quan và khách quan. Song phần lớn các vụ TNLĐ xảy ra hầu hết đều có nguyên nhân từ việc bảo đảm an toàn trong quá trình làm việc chưa đúng, quy trình làm việc an toàn chưa được doanh nghiệp, người lao động thực sự chú ý. Người lao động không được huấn luyện, hoặc huấn luyện không đầy đủ các kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ. Để hạn chế TNLĐ trước hết phải nâng cao nhận thức, ý thức của người lao động. Điều này sẽ khó khăn hơn đối với lao động ở khu vực không có quan hệ hợp đồng vì hầu hết họ là lao động tự do, chưa qua đào tạo. Do đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, không chỉ tại nơi làm việc mà thường xuyên tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh tại các địa phương về các quy định bảo đảm ATVSLĐ.


Theo quy định của pháp luật về ATVSLĐ, người sử dụng lao động có nghĩa vụ “Xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm ATVSLĐ; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp…”. Quy định đã rõ nhưng nhiều doanh nghiệp còn lơ là việc huấn luyện ATVSLĐ, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có những doanh nghiệp tổ chức huấn luyện nhưng không đầy đủ các nội dung, làm qua loa. Các tổ, nhóm lao động tự do lại càng không được huấn luyện về ATVSLĐ. Với người sử dụng lao động, các doanh nghiệp có quan hệ hợp đồng với người lao động cần nghiêm túc chấp hành các quy định về bảo đảm ATVS lao động. Lực lượng thanh tra lao động, thanh tra chuyên ngành tăng cường kiểm tra ATVSLĐ, có sự chấn chỉnh kịp thời những vi phạm. Lực lượng chức năng, chính quyền địa phương được giao thẩm quyền cần làm đúng, đủ trách nhiệm, sử dụng biện pháp phạt vi phạm hành chính đủ mức răn đe nếu người sử dụng lao động không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ theo các nhóm người lao động đã được quy định, không có các biện pháp bảo đảm an toàn lao động cho người lao động. Đặc biệt với các doanh nghiệp để xảy ra TNLĐ chết người, cần có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các tập thể, cá nhân liên quan, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện ATVSLĐ.


PHƯƠNG NAM – An ninh Hải Phòng 12/11/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Phòng, tránh tai nạn lao động: Siết chặt kỷ luật, an toàn lao động
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác