Bệnh viện Trẻ em thông tin, gần đây đơn vị liên tục tiếp nhận và cấp cứu kịp thời một số ca bệnh bị hóc dị vật đường hô hấp.
Cụ thể, cháu Đ.B.N, ở xã Việt Tiến (huyện Vĩnh Bảo) ngậm chi tiết đồ chơi lego, bị dị vật trôi vào đường thở. Gia đình đưa trẻ đến viện trong tình trạng mệt, môi tím nhẹ, thở khò khè, ho khan, tức ngực. Sau đó trẻ được các bác sĩ chụp CT ngực tìm dị vật và gắp thành công dị vật là mảnh ghép lego ra khỏi khí quản. Hay như bé gái 17 tháng tuổi, ở phường Bàng La (quận Đồ Sơn) bị hóc dị vật là hạt dưa hấu, đến viện trong tình trạng ho sặc sụa, tím tái, khó thở, thở rít, được các bác sĩ gắp dị vật thành công.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Trọng Tài, phụ trách Đơn nguyên quốc tế (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng), tình trạng trẻ nuốt dị vật vào trong đường hô hấp rất nguy hiểm. Nếu không được cấp cứu kịp thời, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề, như: Hẹp khí quản do sẹo khi cố lấy dị vật đâm sâu, viêm phổi thở máy kéo dài, nấm phế quản do dị vật nằm lâu… Các loại dị vật như: Ốc vít kim loại, pin cúc, pin điện thoại… thường rất nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe của trẻ. “Nếu dị vật mắc kẹt ở ngã ba hầu họng và đường thở, trẻ sẽ lâm vào khó thở nguy kịch. Nếu dị vật mắc ở đường tiêu hóa, không xử lý đúng và kịp thời, bệnh nhi có thể bị nhiễm loét, rò thủng thực quản và viêm loét dạ dày với nhiều hệ lụy khó lường”, bác sĩ Tài cho biết.
Để phòng, tránh tai nạn đáng tiếc cho trẻ khi bị mắc dị vật đường thở, các bác sĩ cần khuyến cáo cha mẹ của trẻ, những người chăm sóc trẻ thường xuyên quan tâm giám sát trẻ, tránh lơ đãng dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Bên cạnh đó, phải để xa tầm tay của trẻ các đồ vật nhỏ như đinh, ốc vít, pin, đồng xu, kim, tăm hoặc những hóa chất có thể gây nguy hiểm như dầu hỏa, xăng, nước giặt tẩy… Khi phát hiện trẻ mắc dị vật, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời./.
Minh Minh