Từ đầu hè đến nay, tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cấp cứu nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị tai nạn thương tích thương tâm. Điều đáng nói là, nhiều bậc phụ huynh chưa có ý thức bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ.
Nhiều trẻ bị tai nạn thương tích thương tâm
Liên tiếp trong hai ngày 30-5 và 31-5, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tiếp nhận hai trường hợp bị thương tích khá nặng. Cháu Đoàn Bảo Giang, sinh 2010, ở thôn Minh Tân, xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải, nuốt cúc quần bò bằng kim loại, có đường kính 1,2 cm, vào đường tiêu hóa. Do dị vật quá lớn, không thể chui qua dạ dày xuống ruột, khiến niêm mạc bờ cong nhỏ của dạ dày bị phù nề sung huyết. Các bác sĩ phải gắp dị vật qua nội soi bằng ống mềm có gây mê để đưa ra ngoài an toàn. Theo người nhà cháu Giang, do nghỉ hè, cháu ở nhà một mình, nên tò mò cắt cúc đính quần bò ra nghịch, chẳng may nuốt phải. Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận cấp cứu hai em nhỏ là Nguyễn Thị V, 10 tuổi và Nguyễn Thị L, 8 tuổi ở quận Lê Chân có biểu hiện buồn nôn, miệng sưng to do dị ứng lá và hoa cây kim tiền. Theo gia đình hai cháu, do nghỉ hè, hai chị em ở nhà trông nhau, vặt hoa và lá kim tiền làm đồ chơi, ăn thử nên bị ngộ độc cấp.
Khám cho trẻ nhỏ bị hóc dị vật tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Ảnh: Diệu Hương
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Yến, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết, từ đầu hè đến nay, bệnh viện tiếp nhận gần 800 trường hợp bị tai nạn thương tích, hóc dị vật đường thở; tăng gấp 1,5 lần so với thời điểm học sinh chưa nghỉ hè. Nhiều trường hợp bị thương tích, ngộ độc rất thương tâm do người lớn bất cẩn. Chẳng hạn như hai cháu nhỏ Nguyễn Tiến Hùng (4 tuổi) và Nguyễn Tiến Mạnh (2 tuổi), là anh em ruột, cùng trú tại Vĩnh Bảo, được người nhà đưa đến cấp cứu do nghi ngộ độc thuốc diệt chuột. Theo lời kể của ông nội hai cháu, ông có giã nát bim bim đổ vào bát sành và trộn lẫn thuốc chuột, sau đó giấu bát bim bim trên vào khe bao thóc ở trong buồng để bẫy chuột. Hai cháu Hùng và Mạnh nghịch, lấy được chiếc bát đựng bả chuột rồi thò tay vào bốc bim bim dẫn đến ngộ độc. Ngoài ra, bệnh viện còn cấp cứu cháu Nguyễn Phương Thảo, 9 tháng tuổi ở quận Lê Chân, do khi trông con, mẹ cháu sơ ý, để cháu chơi sạc pin điện thoại và nuốt chân sạc pin vào phế quản. Liên tục từ đầu tháng 5 đến nay, bệnh viện cấp cứu nhiều cháu nhỏ dưới 12 tháng tuổi nuốt hạt na, hạt nhãn gây tắc đường thở; một số cháu bị bỏng do cồn, nước sôi, bị ngạt do đuối nước, ngã do tai nạn giao thông…
Tạo môi trường an toàn cho trẻ
Bác sĩ Nguyễn Duy Tuấn, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết, vào dịp hè số trẻ em nhập viện do tai nạn thương tích thường tăng hơn so với các thời điểm khác trong năm. Nếu người lớn lơ là trong phút chốc bé dễ gặp nguy hiểm, kể cả tình huống đơn giản nhất ít ai không ngờ tới. Do vậy, đối với các cháu nhỏ tuổi, cha mẹ nên chú ý không cho các bé chơi những vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ như cúc áo, đồng xu, kẹp tóc…vì các bé thường có thói quen bỏ vật lạ vào miệng, mũi, tai. Các loại dị vật này có thể kẹt ở thực quản, nguy hiểm hơn nếu đi vào đường thở là thanh- khí – phế quản có thể gây tử vong nếu không lấy dị vật ra kịp thời.Đặc biệt, khi phát hiện trẻ bị thương tích, hóc dị vật, cần biết cách sơ cứu đúng cách và đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm nhất, không để mất “giờ vàng” trong cấp cứu, chữa trị cho trẻ.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang Chính, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và giáo dục sức khỏe (Sở Y tế), trung bình mỗi ngày ở Việt Nam có gần 20 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích. Hơn một nửa trong số này bị tử vong do đuối nước và còn nhiều em khác bị tử vong hay bị thương tích do tai nạn giao thông đường bộ, ngộ độc, ngã, bỏng, súc vật cắn hay bị thương bởi các vật sắc nhọn. 70% số vụ tai nạn thương tích này dễ dàng có thể phòng tránh được nếu người lớn cẩn trọng, chú ý hơn đến trẻ. Ở lứa tuổi từ 2 -12 tuổi trẻ rất hiếu động, trong khi khả năng bảo vệ bản thân trước những mối nguy hiểm của trẻ gần như chưa được hình thành. Do đó, người lớn cần giáo dục kỹ năng tự vệ và phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.
Hiệu trưởng Trường mầm non Nhí Nguyễn Thu Hà (quận Hải An) cho biết, để hỗ trợ trẻ nhỏ có kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, tại trường, giáo viên thường xuyên cho các em quan sát tranh ảnh, giới thiệu những việc không nên làm như: không chơi gần bờ hồ, bờ ao; không tự ý ra sông, suối; không nên chơi vật sắc nhọn và đồ chơi nguy hiểm; không thả diều ở nơi có cột điện cao thế; không trèo cây, không nghịch lửa, không ở gần nước sôi… Cùng với việc xây dựng ngôi trường an toàn, trường tuyên truyền để phụ huynh chủ động xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ, để ý xem chung quanh nhà các khu vực nguy hiểm để có cách bảo đảm an toàn cho trẻ như: làm hàng rào quanh nhà hay quanh ao cá và những hồ nước trong khu vực nhà ở, nơi trẻ dễ tiếp cận; làm nắp giếng và nắp dụng cụ chứa nước, làm chấn song cho cầu thang, bảo đảm cửa chắn ở đầu hoặc cuối cầu thang đủ cao; chú ý có người thường xuyên trông chừng trẻ không để trẻ chơi một mình.
Hoàng Yên – Báo Hải Phòng 17/6/2018
Chiều 14/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 14/1/2025 chủ trương…
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, sáng 14/1, đồng chí Phạm Văn…
Hồi 16h30' ngày 13/1/2025, Công an thành phố Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng nhận…
Chiều 13/1, tại Khách sạn Điện lực (quận Đồ Sơn), Công ty TNHH MTV Điện…
Chiều 13-1, tại UBND quận Hải An, Hội Chữ thập đỏ thành phố phối hợp…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More