Nhiều chiêu trò… móc túi người dân
Theo thống kê, năm 2021, Công an thành phố tiếp nhận 44 tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến công nghệ cao, các đơn vị nghiệp vụ xác lập 3 chuyên án, khởi tố 12 vụ án với số tiền thiệt hại của 11 vụ là gần 20 tỷ đồng. Đơn cử, sàn giao dịch ngoại hối trên không gian mạng do nhóm đối tượng Nguyễn Thế Dương, sinh năm 1996, trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy và Nguyễn Văn Quyền, sinh năm 1983, trú tại Khu đô thị Vinhome Ocean Park, Gia Lâm (Hà Nội) lập ra để chiếm đoạt tài sản, thu hút hàng nghìn người ở Hải Phòng, Hà Nội và khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia, với số tiền huy động gần 7.500 tỷ đồng. Ngay sau khi sàn giao dịch này bị triệt phá, lực lượng Công an Hải Phòng nhận được hàng chục đơn trình báo, tố giác của các cá nhân trên địa bàn thành phố với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng.
Hay như đối tượng Trần Văn Mạnh, 25 tuổi, trú tại quận Dương Kinh, lấy thông tin, hình ảnh những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở chuyên mục nhân ái trên các trang báo điện tử uy tín rồi đăng Facebook của bản thân, kêu gọi quyên góp tiền từ thiện. Bằng thủ đoạn này, Trần Văn Mạnh chiếm đoạt khoảng hơn 600 triệu đồng của các nhà hảo tâm nhưng không thực hiện bất kỳ hoạt động từ thiện nào như cam kết.
Không chỉ vậy, một số đối tượng còn giả danh là cán bộ của các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gửi đường link thông báo đến người dân hoặc gia đình của họ đang liên quan đến một vụ án hình sự, yêu cầu phải chuyển tiền đến một số tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra. Đây là một thủ đoạn nguy hiểm, không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản mà còn gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cán bộ, công chức và cơ quan Nhà nước… Những “chiêu trò” trên không phải là mới, từng được cơ quan Công an cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng một số người dân vẫn “sập bẫy”.
Đừng để tiền mất, tật mang
Trực tiếp tham gia chỉ đạo phá các chuyên án trong lĩnh vực tội phạm công nghệ cao, thượng tá Vũ Xuân Bảo, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an thành phố) cho biết, có 5 hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng được các đối tượng sử dụng khá phổ biến để lừa đảo người dân thời gian gần đây, đó là: Đối tượng chiếm quyền điều hành trang mạng Facebook, Zalo của nạn nhân rồi lừa đảo người thân của họ cho vay tiền, nạp tiền điện thoại; giả danh cán bộ cơ quan thực thi pháp luật rồi yêu cầu người bị hại chuyển tiền nộp phạt hoặc án phí, thậm chí đưa tiền để đối tượng chạy án; giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản; thông qua hình thức chuyển quà, đối tượng yêu cầu bị hại nộp phí vận chuyển hàng bằng hình thức chuyển khoản, sau đó đối tượng tạo đường link độc hại để bị hại truy cập rồi lấy cắp tiền trong tài khoản của bị hại; cuối cùng là hình thức đối tượng lập ra các sàn giao dịch tiền ảo, lôi kéo người chơi đầu tư vào sàn rồi cho “cháy” sàn hoặc đánh sập sàn hoặc không cho rút tiền.
Thượng tá Vũ Xuân Bảo thông tin thêm: Trước tác động của dịch COVID-19, trong những tháng cuối năm 2021 này, hình thức lừa đảo vay tiền online đang ngày càng gia tăng khi không ít người dân coi đây là cách giải quyết tình thế khó khăn về tài chính. Lợi dụng điều này, một số đối tượng thu gom hình ảnh mặt trước, mặt sau chứng minh nhân dân (CMND), ảnh chân dung của chủ CMND, sau đó tiến hành đăng ký thẻ ngân hàng tên chính chủ, rồi vay tiền trên nhiều website hoặc ứng dụng vay tiền. Với mỗi bộ hồ sơ, chúng sẽ lừa đảo vay được khoảng 30.000.000 đồng của các tổ chức tín dụng sử dụng. Thêm chiêu thức nữa là một số đối tượng giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án sử dụng các số điện thoại có đầu số tương tự như ( + 8 4 ) 0 2 3 6 . 3 8 2 . 2 3 , ( + 0 8 4 ) 0 2 3 6 . 3 8 8 . 9 2 , (+084)243.825.68… Để chiếm lòng tin của người bị hại, các đối tượng gửi đường link dẫn đến trang web có giao diện giống trang web của cơ quan công an, trong đó hiển thị một bản giả quyết định có thông tin của người bị hại. Đến lúc này, do tâm lý lo sợ nên bị hại hoàn toàn tin, chuyển tiền cho các đối tượng.
Trước những lo ngại của đông đảo cử tri và nhân dân thành phố về loại tội phạm trên, trao đổi bên lề kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố khoá 16 vừa qua, Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an thành phố khuyến cáo người dân thận trọng khi tiếp nhận các thông tin và thực hiện các thủ tục tại trụ sở các cơ quan chức năng như Công an, Toà án, Viện kiểm sát; không thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền qua các ứng dụng Facebook, Zalo và cần tìm hiểu kỹ, chỉ tham gia các sàn giao dịch điện tử chính thống được Bộ Công Thương cấp phép, tránh mắc bẫy của một số đối tượng lừa đảo, dẫn đến thiệt hại về tài sản./.
Bài và Ảnh: Lê Oanh
Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…
UBND thành phố vừa ban hành Chỉ thị 14/CT-UBND yêu cầu Sở Giáo dục và…
Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…
Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More