Print Thứ Bảy, 26/01/2019 23:05

Ngày 24-10 vừa qua, tại làng nghề mộc ở phường Tân Hòa, thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) xảy ra vụ cháy lớn. Hàng trăm mét vuông xưởng gỗ của nhiều hộ gia đình bốc cháy ngùn ngụt. Nguy cơ cháy, nổ cao cũng là thực trạng tại nhiều cơ sở chế biến gỗ tại Hải Phòng.

 

Lực lượng PCCC tiếp cận hiện trường vụ cháy trên phố Trần Nhân Tông (quận Kiến An).

  

Không bảo đảm an toàn, nguy cơ cháy nổ cao

 

Theo ghi nhận thực tế, những vụ cháy xưởng gỗ đều gây thiệt hại lớn về tài sản. Đơn vị thường “mất trắng” sau các vụ cháy. Tại Hải Phòng, với tổng số hơn 300 cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến gỗ, hầu như năm nào cũng xảy ra cháy với quy mô, mức độ thiệt hại khác nhau. Cuối tháng 3-2018, xảy ra cháy lớn tại kho chứa cao bản gỗ trên phố Lê Thánh Tông (quận Ngô Quyền). Gần 100 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC cùng nhiều xe chữa cháy được huy động, phải mất 4 giờ mới khống chế được đám cháy lớn. Trước đó, hồi cuối tháng 5-2017, một xưởng sản xuất đồ mộc trên phố Trần Nhân Tông (quận Kiến An) rộng hơn 100 m2 cũng bị thiêu rụi sau khi xảy ra sự cố chập điện tại xưởng. Toàn bộ hàng trăm phên gỗ thịt và gỗ thành phẩm sau vài giờ đều cháy rụi.

 

Mặc dù năm nào cũng xảy ra cháy nhưng thực tế ý thức chấp hành các quy định về an toàn PCCC của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn thành phố không có nhiều thay đổi. Qua khảo sát, các xưởng sản xuất, gia công đồ gỗ trên địa bàn thành phố hoạt động manh mún, không có quy hoạch rõ ràng. Tính riêng trên trục đường Trần Nhân Tông có khoảng gần 100 cơ sở sản xuất, gia công đồ gỗ. Bằng mắt thường cũng nhận thấy những cơ sở này không bảo đảm an toàn về PCCC. Phổ biến nhất là tình trạng hệ thống điện chắp vá, thiếu an toàn. Nhiều thiết bị phụ tải được chủ cơ sở đấu nối từ hệ thống điện sinh hoạt, không theo bất kỳ quy chuẩn nào về an toàn PCCC. Đường điện chủ yếu “chạy nổi” trên bờ tường, phía sau các tấm gỗ. Hệ thống ngắt mạch điện duy nhất là chiếc cầu dao sứ. Chủ các cơ sở chủ quan, không tổ chức vệ sinh thường xuyên khiến bụi gỗ phát sinh trong quá trình sản xuất bám thành nhiều lớp ở các mối nối, cầu dao, cầu chì điện. Trong trường hợp phát sinh tia lửa, những bụi gỗ này rất dễ trở thành chất dẫn, bén lửa gây cháy.

 

Ngoài gỗ, trong tất cả các xưởng gia công đều chứa một lượng lớn sơn màu, sơn PU phủ bóng để hoàn thiện sản phẩm. Tuy nhiên, việc bảo quản những chất dung môi dễ cháy này chưa được quan tâm. Nhiều cơ sở, những bình chứa chất dung môi được đặt ngay cạnh cầu dao điện. Trong khi đó, lối thoát hiểm – yếu tố quan trọng để giảm thiệt hại về người trong trường hợp xảy ra cháy không được các cơ sở lưu tâm. Hầu hết các cơ sở này chỉ có một lối ra – vào. Trong khi đó, gỗ nguyên liệu được xếp chồng lên nhau, một số thành phẩm chưa lắp ráp đặt tầng tầng lớp lớp, áp vào tường cản trở lối đi. Trong trường hợp xảy ra sự cố cháy, nổ, lối đi với nhiều gỗ hai bên tường không thể giúp thoát nạn, lại ngăn cản nỗ lực chữa cháy của cơ quan chức năng.

 

Xây dựng tổ an toàn PCCC

 

Do hầu hết những cơ sở này hoạt động nhỏ lẻ, quy mô nhỏ nên theo quy định tại Nghị định 79/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật của Luật PCCC, những cơ sở này không nằm trong diện cơ sở bắt buộc lập hồ sơ quản lý về PCCC. Bởi vậy, thực tế công tác PCCC chủ yếu dựa vào tính tự giác của chủ cơ sở và người lao động. Tuy nhiên, đến nay, ý thức của chủ cơ sở, người lao động tại các xưởng này còn hạn chế.

 

Trung tá Vũ Văn Việt, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC (Công an thành phố) cho rằng, do phần lớn cơ sở gia công đồ gỗ nằm xen lẫn trong khu dân cư, nên để giảm nguy cơ cháy nổ, trước mắt nên đẩy mạnh việc phát triển xây dựng mô hình tổ dân phố an toàn PCCC làm cơ sở để mở rộng mạng lưới tuyên truyền, nâng cao ý thức của chủ hộ sản xuất, kinh doanh gỗ, lâm sản trên địa bàn. Đối với những địa phương, cơ sở chưa có tổ chữa cháy, chính quyền địa phương cần thường xuyên nhắc nhở đơn vị chấp hành các quy định về an toàn PCCC, trong đó, trang bị đầy đủ các vật dụng chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy cầm tay, chăn chiên, thùng cát…


Về lâu dài, việc phát triển các cơ sở sản xuất, gia công đồ gỗ cần được quy hoạch cụ thể với những chính sách hỗ trợ cũng như yêu cầu bắt buộc về bảo đảm an toàn PCCC. Từ quy hoạch phát triển này, lực lượng cảnh sát PCCC cần phối hợp chính quyền địa phương xây dựng mô hình xưởng sản xuất chế biến gỗ an toàn PCCC. Trong đó lưu tâm tới việc nghiên cứu thực tế địa bàn, hoàn thiện các tiêu chí an toàn PCCC phù hợp với đặc thù của loại hình sản xuất, kinh doanh như quy định về lối thoát hiểm, trang bị thiết bị chữa cháy, sử dụng đường điện an toàn, tổ chức huấn luyện chữa cháy cho lực lượng cơ sở… Đặc biệt, với đặc thù nhiều cơ sở đồ gỗ nằm cạnh nhau, công tác chống cháy lan cần được ưu tiên. Trước mắt cần hướng dẫn người dân xây dựng hệ thống tường có khả năng chịu lửa 250 phút hoặc các vách tường vật liệu chịu lửa tương đương.


Minh An – An ninh Hải Phòng 06/11/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Phòng ngừa cháy, nổ tại các xưởng gỗ: Nâng cao ý thức người lao động
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác