Print Thứ Sáu, 29/07/2022 10:55 Gốc

Từ đầu năm đến nay, số người bệnh, nhất là trẻ em trên địa bàn thành phố đến Bệnh viện Mắt Hải Phòng khám, điều trị các tật khúc xạ mắt (cận thị, viễn thị và loạn thị) có xu hướng tăng cao. Việc trẻ em mắc các tật khúc xạ mắt nếu không được khám, phát hiện và chỉnh kính sớm, bệnh có thể dẫn tới nhược thị, không chỉ khiến trẻ bị giảm thị lực, thậm chí gây nguy cơ mù lòa, việc phẫu thuật tật khúc xạ sau 18 tuổi cũng không đạt hiệu quả cao.

Bệnh có thể gây mù lòa hoàn toàn

Sáng 20/7, cháu Nguyễn Thùy Dương, 11 tuổi, ở địa chỉ số 5/9/83 ở phố Lán Bè, phường Lam Sơn (quận Lê Chân) được đưa tới Phòng khám khúc xạ (Bệnh viện Mắt Hải Phòng) để khám mắt. Dương cho biết, thời gian nghỉ hè, trước đó là nghỉ học do dịch bệnh, cháu xem ti vi, sử dụng máy tính nhiều. Đến khi đi học tiếng Anh, cô giáo đảo chỗ liên tục nhưng cứ ở gần bục giảng cháu mới nhìn rõ, còn ở xa cháu không thấy chữ trên bảng. Trực tiếp thăm khám và điều trị cho bệnh nhi, Ths.Bs. Vũ Như Chiến, làm việc ở Phòng khám khúc xạ thông tin, những tháng gần đây, phòng khám đón nhiều trường hợp đến khám tật khúc xạ mắt. Triệu chứng sớm của tật khúc xạ là nhìn xa hoặc gần mờ hoặc cả hai. Đôi khi co thắt mi mắt có thể dẫn tới đau đầu; nheo mắt kéo dài khi sử dụng mắt cũng có thể dẫn đến nhức đầu. Thỉnh thoảng, khi quá tập trung nhìn vào một điểm có thể dẫn đến khô bề mặt nhãn cầu, gây kích ứng mắt, ngứa, mỏi mắt, cảm giác dị vật và đỏ mắt. Mỏi mắt khi đọc và nháy mắt nhiều hoặc dụi mắt là triệu chứng tật khúc xạ ở trẻ em.

Có nhiều nguyên nhân gây nên tật khúc xạ, phải kể đến, như: Mắc tật khúc xạ do bẩm sinh, di truyền (chiếm 60% tổng số các trường hợp mắc tật khúc xạ); thời gian và mức độ sử dụng mắt như học tập, làm việc quá nhiều (trên 8 giờ), hoặc quá lâu trong thời gian liên tục (trên 2 giờ liên tục); làm việc và sử dụng mắt trong điều kiện thiếu sáng; sau phẫu thuật mắt hoặc chấn thương mắt; làm việc không đúng tư thế, nhìn quá gần. Về hậu quả, tật khúc xạ khiến người bệnh nhìn mờ, dễ mỏi mắt, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triền và chất lượng cuộc sống. Với người bị cận thị, hình ảnh của những vật ở xa bị mờ đi tùy theo độ cận. Ngược lại, những người bị viễn thị sẽ không thể nhìn thấy rõ hình ảnh của những vật ở gần. Ngoài ra, một số loại tật khúc xạ (viễn thị nặng, loạn thị, lệch khúc xạ) có thể gây lác mắt, dẫn đến nhược thị một mắt. Hơn nữa, cận thị quá nặng có thể gây nên biến chứng bong võng mạc, dẫn đến mù lòa hoàn toàn.

Bác sĩ Phòng Khám khúc xạ (Bệnh viện Mắt Hải Phòng) khám mắt toàn diện cho người bệnh.

Kịp thời chỉnh kính

Ths.Bs. Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Hải Phòng cho biết, đến nay chưa có công trình, đề tài nghiên cứu đánh giá về thực trạng, tỷ lệ người mắc tật khúc xạ tại Hải Phòng cũng như thống kê số liệu so sánh, đối chiếu tỷ lệ người mắc bệnh so với trước đây. Tuy nhiên, qua số lượng người, nhất là trẻ em đến khám sàng lọc để phát hiện và chỉnh kính tại bệnh viện từ năm 2021 đến nay, nhất là sau thời gian dài trẻ ở nhà do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 hay nghỉ hè, tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại có xu hướng tăng nhanh. Là bệnh viện hạng 2 chuyên khoa, tuyến cuối của thành phố, hiện mỗi năm bệnh viện khám và điều trị 33 nghìn lượt người dân thành phố và các tỉnh lân cận, trong đó có 6-7 nghìn ca phải thực hiện phẫu thuật. Tính riêng người đến khám các tật khúc xạ, năm 2021, Phòng Khám khúc xạ của bệnh viện sàng lọc, chỉnh kính khoảng 4 nghìn ca bệnh, 6 tháng đầu năm 2022 là 2,5 nghìn ca bệnh.

Được biết, tật khúc xạ là nguyên nhân gây mù đứng thứ 2 trong nhóm gây mù có thể chữa được sau đục thủy tinh thể. Trong đó, có 3 phương pháp để điều trị tật khúc xạ là đeo kính thuốc, đeo kính áp tròng cứng Orthokeratology (Ortho-K) và phẫu thuật tật khúc xạ. Trong đó, kính áp tròng cứng OrthoK được thiết kế đeo vào ban đêm, có khả năng điều chỉnh hình dáng của giác mạc trong khi ngủ, vì vậy người mắc tật khúc xạ có thể nhìn thấy rõ ràng mọi vật khi thức dậy sau khi tháo kính ra. Hiện, tại một số phòng khám mắt ở Hải Phòng có tư vấn người bệnh sử dụng loại kính này. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ chữa cận tạm thời, không khỏi bệnh như nhiều người nghĩ và gây bất tiện khi phải đeo kính, tháo kính hằng đêm, cùng với phải tuân thủ quy tắc bảo quản, vệ sinh kính. Phương pháp phẫu thuật tật khúc xạ bằng laser được chỉ định đối với người từ 18 tuổi trở lên nhưng đòi hỏi cơ sở y tế phải đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, người bệnh phải chi trả khoản phí điều trị khá cao; tại Hải Phòng hiện chưa có đơn vị nào thực hiện phương pháp này. Phương pháp đơn giản hơn cả là đeo kính thuốc. Phương pháp này an toàn, hiệu quả, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí, dù gây một số bất tiện trong sinh hoạt. “Đối với trẻ em dưới 18 tuổi, đeo và chỉnh kính thuốc là phương pháp phù hợp nhất vì các cháu chưa đủ tuổi để thực hiện phẫu thuật. Việc đeo kính giúp các cháu không bị nhược thị, mù lòa; khi đủ 18 tuổi trở lên, thực hiện phẫu thuật khúc xạ cũng hiệu quả hơn”, bác sĩ Sơn khuyến cáo.

Để phòng ngừa tật khúc xạ ở mắt, các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên chăm sóc đôi mắt cẩn thận, bảo đảm nơi làm việc, học tập đầy đủ ánh sáng. Ngồi học, làm việc đúng tư thế, không cúi gằm mặt, nghiêng đầu, áp má bên bàn học, luôn để mắt xa sách vở với khoảng cách thích hợp, tối đa khoảng 35cm. Bên cạnh đó, nên giảm mọi căng thẳng của mắt như không sử dụng mắt làm việc quá lâu, hạn chế thời gian xem ti vi, chơi games, nhìn máy vi tính, không đọc sách có chữ quá nhỏ hay mờ, có hình ảnh lem nhem. Cứ mỗi 20 phút làm việc và học tập nên nghỉ ngơi khoảng 3-5 phút; không xem tivi ở khoảng cách gần, tránh ánh sáng phản xạ trực tiếp lên màn hình./.

Bài và Ảnh: Việt Hoàng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Phòng ngừa biến chứng của tật khúc xạ mắt ở trẻ em: Sớm khám phát hiện, điều trị phù hợp
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác