Từ năm 2011 đến 30- 6-2019, toàn thành phố có 144 trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD), để lại những tổn thương nặng nề về tinh thần, thể chất. Phòng tránh XHTD trẻ em cần vai trò của “kiềng 3 chân”: gia đình-nhà trường-xã hội, trong đó gia đình là lá chắn bền vững nhất.
Những vết thương khó lành
Thực tế thời gian qua cho thấy, rất nhiều trẻ em bị chính người thân, hàng xóm, người quen XHTD. Đơn cử, cháu T. ở quận Lê Chân, năm 2017 bị chính bố đẻ XHTD nhiều lần. Sau khi phát hiện vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Lê Chân vào cuộc, đối tượng thừa nhận nhiều lần XHTD cháu T. khi đó cháu T mới 12 tuổi. Đối tượng bị TAND thành phố tuyên phạt 18 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Vụ việc khác, năm 2018, chị L cho con gái là H sang chơi nhà đối tượng V. Tại đây, V thực hiện hành vi giao cấu với cháu H. Đáng chú ý, khi vụ việc xảy ra, cháu H mới hơn 3 tuổi. TAND thành phố tuyên phạt V. 20 năm tù về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Nhiều trẻ khi bị XHTD còn quá nhỏ, đối tượng xâm hại không ai xa lạ, là người quen của gia đình.
Hậu quả của XHTD đối với trẻ em vô cùng lớn. Như trường hợp cháu T, sau khi bị xâm hại, tinh thần hoảng loạn, nhà trường, địa phương phải vào cuộc hỗ trợ, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần, tư vấn để cháu vượt qua khủng hoảng tâm lý, hỗ trợ pháp lý. Còn với trường hợp cháu H, nỗi sợ hãi về mặt tinh thần có thể bị ám ảnh cả đời. XHTD trẻ em được dư luận đặc biệt quan tâm bởi liên quan đến vấn đề đạo đức xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến các gia đình có trẻ bị xâm hại và cộng đồng, cũng như công tác an ninh, trật tự xã hội.
Bất kỳ người nào, khi phát hiện vụ việc về xâm hại trẻ em (XHTD, xâm hại bạo lực, trẻ em bị bỏ rơi…) hãy gọi điện đến tổng đài quốc gia số 111, 18001567 miễn phí; hoặc số điện thoại 18006605 của Trung tâm Công tác xã hội Hải Phòng để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.
Nâng cao hiểu biết của cha mẹ, người thân
Xảy ra tình trạng XHTD trẻ em có nhiều nguyên nhân, như về môi trường sống còn các yếu tố gây mất an toàn đối với trẻ; một số quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em còn chưa cụ thể; công tác điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến XHTD trẻ em còn gặp nhiều khó khăn từ việc vận động người bị hại tố cáo vụ việc; nguồn lực dành cho hoạt động XHTD trẻ em còn hạn chế so với nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em của thành phố… Tuy nhiên, theo cán bộ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em (Sở Lao độngThương binh và Xã hội), một số cha mẹ, người chăm sóc trẻ do mải làm kinh tế, thiếu quan tâm, không để ý đến trẻ. Nhiều người hạn chế hiểu biết tâm sinh lý trẻ cũng như các biện pháp phòng, tránh XHTD cho trẻ. Có trường hợp con bị xâm hại, cha mẹ cũng không biết do trẻ không dám nói ra, thậm chí cha mẹ còn giấu không lên tiếng.
Từ thực tế này đòi hỏi mỗi gia đình, người chăm nuôi trẻ cần nâng cao nhận thức về phòng, chống XHTD trẻ em, để gia đình là lá chắn an toàn, bền vững nhất. Trước hết, các tổ chức xã hội, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại cộng đồng dân cư để mỗi cha mẹ, người thân trẻ đều biết, hiểu về các nguy cơ có thể dẫn đến trẻ em bị XHTD, từ đó cảnh giác với các mối quan hệ, không để trẻ ở một mình trong những hoàn cảnh, môi trường dễ dẫn đến XHTD. Song quan trọng nhất là những người làm cha, làm mẹ, người chăm nuôi trẻ em cần có những hiểu biết nhất định, trang bị các kiến thức, kỹ năng nuôi dạy trẻ an toàn; chủ động hướng dẫn, giúp đỡ con nhận biết các nguy cơ, hoàn cảnh có thể xảy ra XHTD để trẻ biết, phòng tránh. Cha mẹ thường xuyên quan tâm tới con, kịp thời nhận biết những biểu hiện khác lạ, động viên con nói ra sự thật nếu bị xâm hại, đồng thời lên tiếng tố cáo đối tượng để cộng đồng cùng lên tiếng, cơ quan chức năng vào cuộc, kẻ phạm tội sớm bị trừng trị, phòng ngừa những vụ việc tương tự có thể diễn ra.
Bài và ảnh: Phương Nam