Print Chủ Nhật, 29/12/2019 20:34 Gốc

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia: cuối tháng 12-2019, không khí lạnh hoạt động mạnh dần và tần suất nhiều hơn, có khả năng xuất hiện nhiều đợt không khí lạnh tăng cường, bất lợi cho hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Để giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản (NTTS), người dân các địa phương cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét ở các đối tượng nuôi.

Hộ nuôi lớn tích cực triển khai

Những ngày này, tại các đầm NTTS trên địa bàn thành phố, nhiều hộ sản xuất tập trung cao phòng, chống rét cho thủy sản nuôi. Tại vùng NTTS Lô 6, thôn Xuân Hưng, xã Tiên Hưng (huyện Tiên Lãng), nhiều hộ dân đang tích cực triển khai phòng, chống rét cho tôm thẻ chân trắng. Vừa thả hơn 10 vạn tôm thẻ chân trắng được hơn 1 tháng qua, bà Phạm Thị Kim Luẩn không khỏi lo lắng nếu như thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài. Bà cho biết, từ nhiều ngày qua, hằng ngày gia đình chủ động bơm nước vào các ao nuôi bảo đảm độ sâu ổn định từ 1,5-2 m để giữ đủ nước cho tôm sinh trưởng; chuẩn bị sẵn sàng nguồn thức ăn giàu khoáng chất, vitamin bổ sung cho tôm ăn, đồng thời giảm thời gian sử dụng quạt sục nước trong các ao nuôi vào ban đêm. Tương tự, các gia đình ông: Nguyễn Văn Trang, Nguyễn Thế Học, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Bá Bột, Lương Văn Tuân…ở khu vực nuôi tôm liền kề cũng đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho tôm.

Hộ sản xuất cần chủ động áp dụng biện pháp bảo đảm phòng, chống rét cho vật nuôi, thủy sản.

Chủ tịch UBND xã Tây Hưng Phạm Hữu Vì thông tin, toàn xã có hơn 400 hộ NTTS. Đến thời điểm này hầu hết hộ nuôi tôm sú và cá cơ bản thu hoạch xong nên việc phòng, chống rét cho thủy sản chủ yếu tập trung ở những hộ nuôi tôm thẻ chân trắng.

Tại các vùng NTTS khác ở quận Dương Kinh, các huyện: Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Cát Hải…từ đầu tháng 12-2019 đến nay, người dân các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho thủy sản nuôi như: che phủ ni-lông, bạt phủ để bảo đảm nhiệt độ trong khu vực nuôi, bảo đảm an toàn cho tôm nuôi.

Theo ông Nguyễn Đức Văn, Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Mắt Rồng, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, hợp tác xã có hơn 200 ha nuôi cá trắm đen, cá vược. Việc chống rét cho thủy sản nuôi được các hộ sản xuất chủ động, tập trung cao. Theo đó, các ao nuôi luôn giữ mực nước bảo đảm độ sâu, sạch, hằng ngày cho cá ăn đủ lượng, sử dụng các loại thức ăn đảm bảo chất lượng.

Chủ động làm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn) cho biết, qua kiểm tra, theo dõi của cán bộ chi cục, từ đầu tháng 12 đến nay, nhìn chung các địa phương tích cực hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho thủy sản nuôi. Tuy nhiên, việc phòng, chống rét cho thủy sản vẫn chỉ tập trung nhiều ở những hộ NTTS chuyên nghiệp, quy mô lớn, giá trị kinh tế cao như: nuôi tôm, cá vược. Nhiều hộ nuôi trồng nhỏ lẻ chưa quan tâm thực hiện hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Thực tế những tháng tiếp theo, thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, nhiều khả năng có rét đậm kéo dài. Vì thế, các địa phương cần tập trung tuyên truyền, đôn đốc các hộ NTTS nhỏ lẻ chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Trước mắt, các địa phương đôn đốc hộ nuôi chủ động triển khai ngay các biện pháp đơn giản theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Với những ngày mù trời, lặng gió, các hộ cần chú ý sử dụng viên bổ sung ô-xi và tăng cường quạt nước, sục khí để tránh thiếu oxy và hiện tượng phân tầng nước cho cá nuôi. Trong những ngày rét đậm, hạn chế cho cá ăn, không kéo lưới để tránh xây xát gây cho thủy sản và hạn chế các bệnh đốm đỏ, lở loét da do nấm, ký sinh trùng gây ra.

Ngoài tập trung triển khai các biện pháp bảo vệ đàn cá, tôm đang nuôi, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cũng đặc biệt lưu ý những hộ sản xuất giống cá chú trọng chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ giữ ấm cho đàn cá bố mẹ và chủ động thời gian sinh sản cá giống bảo đảm an toàn để cung ứng nguồn cá giống cho các hộ vào vụ mới. Trong quá trình nuôi, người dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết khi thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị chết, cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để có hướng xử lý kịp thời./.

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo: Trong quá trình nuôi nên định kỳ 2 lần/tuần bổ sung các chất khoáng, Vitamin tổng hợp từ 4-5g/kg thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho thủy sản nuôi. Khi nhiệt độ nước ao nuôi thấp dưới 15°C, ngừng cho thủy sản ăn. Vào thời điểm năng nóng có thể cho ăn bằng thức ăn tinh, thức ăn công nghiệp bảo đảm cá có đủ lượng dinh dưỡng cần thiết. Thả bèo tây trên mặt ao từ 1/2 -2/3 diện tích mặt ao về phía Bắc (bèo được gom vào một góc ao, tránh thả tràn lan che kín hết mặt ao; thả chà, tạo giá để cá trú ẩn tránh rét ở góc phía Bắc của ao nuôi (chà có thể làm bằng cành lá dừa, búi rơm, bao tải, đăng đó)…

Tiến Đạt – Ảnh: Hoàng Phước/Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Phòng, chống rét cho thủy sản nuôi: Đôn đốc thực hiện hướng dẫn
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác