Ngày 19/9/2019, tại TP Tuy Hòa (Phú Yên), Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương khai mạc Hội nghị tổng kết, tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu toàn quốc năm 2019. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên.
Hội nghị tổng kết, tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu năm 2019 có sự tham dự khá đông đủ của các thành viên Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương đến từ các đơn vị như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương, đại diện các Sở Thông tin và Truyền thông, Đội liên ngành phòng, chống in lậu các tỉnh, thành phố, Cục quản lý thị trường các địa phương, đại diện cơ quan quản lý in của Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, đại diện của các đơn vị thường xuyên có xuất bản phẩm bị in lậu như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Công ty TNHH Văn hóa sáng tạo Trí Việt… cũng có mặt tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, thời gian qua, hệ thống liên ngành phòng, chống in lậu, các cơ quan chuyên môn của ngành Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan ở Trung ương và địa phương để thực hiện các biện pháp điều tra, xác minh, ngăn chặn nhằm đấu tranh hiệu quả với tình trạng in lậu. Công tác quản lý các cơ sở in vừa đảm bảo tính chặt chẽ, vừa đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động in đang tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2018, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương và các đội liên ngành phòng chống in lậu địa phương đã thực hiện 1.608 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 127 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt là 765 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy 29.753 xuất bản phẩm, 1.446 lịch block, 372 bản kẽm in.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu dự Hội nghị, tình hình in lậu xuất bản phẩm hiện nay vẫn diễn biến hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, triệt tiêu động lực sáng tạo, làm thất thu ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn về kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp xuất bản ngày càng có xu hướng mua bản quyền các cuốn sách hay, độc đáo được xuất bản ở nước ngoài để in, phát hành tại Việt Nam nhằm phổ biến các giá trị văn hóa, kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp, kinh nghiệm sống… Việc phòng, chống in lậu hiệu quả chính là góp phần thực hiện các cam kết quốc tế về quyền tác giả của Việt Nam.
Không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xuất bản, hành vi in lậu còn tiếp tay cho hoạt động sản xuất hàng giả, hàng nhái thông qua việc in tem, nhãn, bao bì giả các sản phẩm điện tử, hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… Tình trạng in các loại catalog, tờ rơi quảng cáo có nội dung sai phạm về công dụng, thành phần, mục đích sử dụng các sản phẩm, hàng hóa đặc biệt như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi cũng tiếp tục xảy ra, gây ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn, sử dụng sản phẩm của người tiêu dùng. Một số cơ sở in vì lợi nhuận, thiếu trách nhiệm với xã hội nên “nhắm mắt” in các sản phẩm có nội dung sai phạm.
Nhiệm vụ phòng chống, in lậu trong tình hình mới
Hội nghị tổng kết, tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu toàn quốc năm 2019 đã được nghe, tiếp nhận nhiều tham luận, ý kiến đóng góp có giá trị của các đại biểu từ Tổng cục Quản lý thị trường, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cơ quan quản lý in của Bộ Quốc phòng, Hiệp hội in Việt Nam, các đội liên ngành phòng, chống in lậu của Hà Nội, Phú Yên, Cần Thơ, Bình Dương.
Nhằm tăng cường và thực hiện có hiệu quả công tác chống in lậu, in giả, Hội nghị đã tập trung thảo luận, đề xuất một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như sau:
Một là, tăng cường cung cấp, trao đổi, công khai thông tin về in lậu, về các xuất bản phẩm bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tiêu hủy nhằm có thêm cơ sở để phát hiện, xác định, xác minh, xử lý đối tượng vi phạm; tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau.
Hai là, tăng cường phối hợp giữa các ngành, trong đó ngành xuất bản và quản lý thị trường là lực lượng trọng tâm nhằm thực hiện các cuộc kiểm tra đột xuất cơ sở in, lực lượng công an đóng vai trò nòng cốt trong điều tra, phát hiện hành vi in lậu; đồng thời, tăng cường phối hợp với các đơn vị quân đội, công an, ban quản lý các khu công nghiệp để thực hiện kiểm tra các cơ sở in. Công tác phối hợp giữa các ngành cần có kế hoạch cụ thể, rõ ràng để phát hiện in lậu, xử lý các vụ mua bán, tàng trữ sản phẩm in lậu.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện các chế tài xử lý hành vi in lậu theo hướng tăng nặng mức xử phạt; bổ sung trách nhiệm của chủ thể đặt in; nghiên cứu đưa hành vi mua bán, tàng trữ xuất bản phẩm in lậu, không có hóa đơn chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp mà đã bị xử phạt viphạm hành chính về hành vi này nhưng vẫn tái phạm vào Điều 344 Bộ luật Hình sự.
Bốn là, tăng cường xây dựng cơ chế, chính sách để đảm bảo kinh phí hoạt động cho thành viên Đoàn, đội liên ngành; thường xuyên là tốt công tác sơ tổng kết, thi đua khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống in lậu.
Năm là, tăng cường tuyên truyền để các chủ thể sở hữu quyền tác giả (nhà xuất bản, công ty sách, tác giả) có ý thức bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, tự tổ chức lực lượng, kinh phí phục vụ công tác phát hiện in lậu, thường xuyên thông báo với cơ quan chức năng về tình trạng vi phạm bản quyền để kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý./.
Ngô Mạnh Hùng. Nguồn. MIC