Theo dự báo, vụ Đông Xuân năm nay, hạn hán có thể kéo dài trên diện rộng. Do vậy, Hải Phòng sẽ đối mặt với tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào các vùng cửa sông, làm hạn chế việc lấy nước ngọt vào hệ thống thuỷ lợi của các địa phương. Khắc phục tình trạng này, các địa phương chủ động triển khai sớm các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Đối mặt với khô hạn, xâm nhập mặn ở mức cao
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hạn mặn vụ Đông Xuân tới có khả năng xuất hiện sớm hơn so với năm 2019, khoảng 10-15 ngày so với trung bình nhiều năm. Từ nhận định này, Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hải Phòng sẵn sàng chuẩn bị phương án phòng, chống hạn, xâm nhập mặn nặng nề hơn. Nhiều khả năng, vào mùa khô năm nay, hầu hết nước các cửa sông ven biển đều bị nhiễm mặn, xâm nhập mặn sẽ tiến sâu vào đất liền 40 km trên sông Kinh Thầy, 28 km trên sông Cấm, 32 km trên sông Lạch Tray, 35 km trên sông Đá Bạc, 40 km trên sông Thái Bình và 28 km trên sông Văn Úc. Sở NN-PTNT nhận định, với tình trạng này, thiệt hại do hạn và xâm nhập mặn sẽ gia tăng.
Trong 3 năm qua, tình trạng nước mặn xâm nhập vào các cửa sông, cửa cống ven sông Thái Bình, Văn Úc ngày càng phức tạp, khó lường, ảnh hưởng không nhỏ tới việc lấy nước vào đồng ruộng phục vụ sản xuất của các địa phương. Tình trạng xâm nhập mặn thường diễn ra từ đầu tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau, nhưng cao điểm nhất là vào tháng 1, tháng 2. Cùng với đó, độ mặn trong nước cũng ngày càng tăng cao, nhất là tại các địa phương chịu nhiều tác động của xâm nhập mặn như: Tiên Lãng, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo. Thống kê của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiên Lãng cho thấy, tại cống Rỗ, cống Khuể (Tiên Lãng), độ mặn trong vụ đông Xuân năm trước lên tới 5 phần nghìn. Nếu tình trạng này không được cải thiện và hồ thủy điện Hòa Bình không xả nước, thì việc lấy nước ngọt vào đồng ruộng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thực trạng này đòi hỏi các địa phương cần chủ động triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp ứng phó, không để đến thời điểm tháng 2 đến cuối tháng 4 năm 2020, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra trên diện rộng mới ứng phó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân sinh trên địa bàn thành phố.
Tiết kiệm, phân phối nước hợp lý từ đầu vụ
Để ứng phó với tình trạng hạn, xâm nhập mặn gia tăng ở vụ đông Xuân 2019- 2020, ngành chức năng xây dựng kế hoạch tổng thể, xác định khả năng bị ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể.
Trên cơ sở kế hoạch này, Sở NN- PTNT hướng dẫn các địa phương chủ động xây dựng phương án. Trong đó, yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu và sản xuất nông nghiệp cả mùa khô năm 2019 – 2020. Các huyện bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ; khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Thấm, cùng với việc thực hiện chỉ đạo trên, phòng tham mưu với UBND huyện ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng , sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi, tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng. Phòng xây dựng kế hoạch chỉ đạo xuống giống sớm lúa Đông Xuân ở các địa phương khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, khuyến cáo ưu tiên sử dụng các giống chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu hạn, mặn để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bố trí thời vụ và diện tích xuống giống phù hợp với điều kiện nguồn nước.
Phó giám đốc Sở NN- PTNT Bùi Thanh Tùng thông tin, Sở tập trung rà soát, kiểm tra, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, bảo đảm sẵn sàng phục vụ sản xuất, đặc biệt quan tâm các công trình như: cống Bích Động, Chanh Chử, cống Ba Đồng (hệ thống thủy lợi Vĩnh Bảo); cống Rỗ, cống Sông Mới, cống Giang Khẩu, cống Lâm Cao (hệ thống thủy lợi Tiên Lãng); cống Trung Trang, cống Cẩm Văn (hệ thống thủy lợi Đa Độ); cống Kim Sơn, cống Tỉnh Thủy (hệ thống thủy lợi An Hải); cống An Sơn 1, cống An Sơn 2, cống Phi Liệt (hệ thống thủy lợi Thủy Nguyên). Bên cạnh đó, yêu cầu các huyện và các công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi khắc phục kịp thời hư hỏng ở các cống trong vùng nhiễm mặn, hoành triệt các cống không bảo đảm kín nước; bố trí lực lượng thường trực tại các cống đầu mối, lấy nước ngay khi nguồn nước đảm bảo độ mặn cho phép. Các công ty thủy lợi tăng cường đầu tư, ứng dụng thiết bị quan trắc tự động mực nước, đo độ mặn tại các cống đầu để chủ động có phương án lấy nước, điều tiết nước vào hệ thống, không để mặn xâm nhập sâu vào đồng ruộng….
Bài và ảnh: Tiến Đạt