Phòng, chống dịch cúm gia cầm ở ngoại thành: Phối hợp chặt chẽ, xử lý nghiêm vi phạm

Từ đầu năm đến nay, Hải Phòng là một trong 2 địa phương cả nước (cùng với Nghệ An) xảy ra dịch cúm gia cầm, với 3 ổ dịch vi-rút cúm A/H5N6. Dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi các địa phương, ngành chức năng cần có nhiều biện pháp riết róng hơn để phòng, chống dịch…

 


Nhân viên thú y đến các hộ chăn nuôi tiêm phòng cho đàn gia cầm.

 

Chính quyền cơ sở, người sản xuất còn chủ quan, lơ là


Hơn 10 giờ sáng ngày 15-9, các nhân viên thú y ở xã Toàn Thắng (huyện An Lão) vẫn chờ tại điểm tập trung tiêm phòng đàn gia cầm đặt ở một số nhà văn hóa thôn, song lác đác chỉ vài hộ đem gia cầm đến tiêm. Có một số điểm, nhân viên thú y phải chia từng nhóm nhỏ đến tận nhà các hộ chăn nuôi tiêm phòng. Anh Đoàn Văn Lập, nhân viên thú y xã Tân Dân (huyện An Lão) cho biết, nhiều hộ sắp xuất bán đàn gia cầm nên không muốn tiêm, đồng thời yêu cầu nhân viên thú y đợi sau khi tái đàn mới thực hiện tiêm.


Thực trạng trên cũng diễn ra ở nhiều khu vực ngoại thành. Theo báo cáo của Trạm Thú y các huyện An Lão, Kiến Thụy,  An Dương, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, ngay sau khi được thành phố hỗ trợ vắc xin cúm gia cầm, các huyện triển khai ngay việc tiêm phòng tại các hộ chăn nuôi. Nhân viên thú y mất nhiều thời gian đến từng hộ chăn nuôi để tiêm song khó đẩy nhanh được tiến độ theo kế hoạch bởi thực tế một số hộ chăn nuôi chủ quan về số lượng nuôi ít, đồng thời trên địa bàn đã từ lâu không phát sinh dịch cúm gia cầm nên không tích cực phối hợp tác tiêm phòng cho vật nuôi.


Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương chưa sâu sát việc quản lý đàn gia súc gia cầm trước nguy cơ dịch bệnh bởi  tâm lý chủ quan, cho rằng dịch mới chỉ xảy ra ở địa phương bạn. Vì vậy, mặc dù thành phố hỗ trợ hóa chất khử trùng tiêu độc, song một số xã chưa bố trí phun hóa chất các khu vực tập trung dễ phát sinh dịch bệnh trên địa bàn. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát dịch chưa được quan tâm thực hiện chặt chẽ với lý do thiếu cán bộ chuyên trách, ngân sách hạn hẹp, khó huy động thêm kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm. Theo Phó trưởng Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện An Lão Nguyễn Phú Thọ, các hộ buôn bán gia cầm giống nhập hàng từ nhiều tỉnh về địa phương, song chia nhỏ, lẻ vận chuyển từ xã này sang xã khác, tránh sự kiểm tra của cơ quan thú y. Chính quyền địa phương không bố trí được cán bộ theo dõi, quản lý nên các hộ chăn nuôi tùy tiện nhập giống đàn gia cầm, hầu hết đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Các hộ cũng không tự giác khai báo việc nhập giống để tái đàn mới.

 

Phòng, chống dịch phải đi trước một bước


Qua kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Đinh Công Toản cảnh báo, dịch cúm gia cầm dễ bùng phát, có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu chủ quan, lơ là tiêm phòng dịch bệnh. Bên cạnh đó, có nhiều nguyên nhân khác như yếu tố môi trường, thời tiết không thuận lợi; vi – rút cúm gia cầm từ các ổ dịch cũ; công tác quản lý gia cầm chưa chặt chẽ. Vì vậy, việc phòng, chống dịch cúm gia cầm luôn phải đi trước một bước với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, chính quyền địa phương, người chăn nuôi. Tại các địa phương, các đoàn thể phối hợp tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm. Hình thức tuyên truyền phải thường xuyên, phong phú trên hệ thống phát thanh của các thôn, xã…

 

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi-Thú y Phạm Văn Công, không phải không có biện pháp để xử lý đối với các hộ chăn nuôi chưa tích cực hợp tác trong phòng, chống dịch cúm gia cầm. Theo Luật Thú y năm 2012, các hộ này bị xử phạt hành chính theo quy định. Vì vậy, sau khi tuyên truyền, vận động, nếu các hộ không chịu chấp hành, ngành chức năng, chính quyền địa phương có thể áp dụng quy định của Luật Thú y để xử lý. Đặc biệt, trong khâu lưu thông, buôn bán gia cầm, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chi cục Thú y, Chi cục Quản lý thị trường, chính quyền địa phương, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm buôn bán, nhập giống gia cầm không rõ nguồn gốc.

 

Từ nay đến cuối năm 2018, công tác phòng, chống dịch bệnh ở ngoại thành cần được sự quan tâm, chỉ đạo tập trung hơn. Các địa phương có kế hoạch cụ thể để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng đàn gia cầm từ nguồn vắc-xin được thành phố hỗ trợ. Các huyện thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm; bố trí cán bộ phụ trách, giám sát việc thực hiện đền tận các hộ chăn nuôi. Các xã thường xuyên tổ chức các đợt khử trùng tiêu độc tập trung tại một số khu vực có nguy cơ dễ phát sinh dịch bệnh như chợ dân sinh, bãi rác tập trung, khu vực có ổ dịch cũ… Các hộ chăn nuôi hợp tác khai báo chính quyền địa phương, ngành chức năng khi tái đàn gia cầm mới, bảo đảm chăn nuôi an toàn, chú trọng vệ sinh khu vực chuồng trại chăn nuôi để phòng tránh phát sinh dịch bệnh gia cầm…

Báo Hải Phòng 21/09/2018

Tin khác

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XIII

Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…

25/11/2024

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện quyết tâm sắp xếp, tổ chức bộ máy

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…

25/11/2024

Tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh

Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…

25/11/2024

Hải Phòng có tân Cục trưởng Cục Hải quan thành phố

Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…

25/11/2024

Thí sinh Hải Phòng trở thành Á vương 1 của Nam vương Thế giới – Mr World 2024

Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…

24/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More