Phòng, chống dịch bệnh phục vụ sản xuất vụ mùa 2018 – Bảo đảm khung thời vụ, xử lý triệt để mầm bệnh

Theo Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật (TT – BVTV), đến đầu tháng 7, ở nhiều huyện ngoại thành có nguy cơ cao phát sinh bệnh lùn sọc đen, gây hại  lúa vụ mùa. Tỷ lệ virút nhiễm bệnh này xuất hiện trên lúa chét chiếm hơn 26% số mẫu giám định. Vì vậy, các địa phương cần thực hiện, quyết liệt các giải pháp để bảo vệ năng suất, chất lượng lúa vụ mùa.

Xuất hiện virút lùn sọc đen trên đồng ruộng

Đến đầu tháng 7, các huyện ngoại thành cày lật đất  hơn 25 nghìn ha, đạt 65% – 70% kế hoạch gieo cấy (cùng kỳ năm 2017, đạt hơn 75% tổng diện tích gieo cấy). Diện tích mạ gieo cấy ước đạt 2457 ha, bằng 70% diện tích gieo cấy. Kết quả điều tra trên đồng ruộng của Chi cục TT – BVTV cho thấy, các trà mạ mùa muộn và mùa trung được gieo cấy từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 – 2018 sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, trên một số trà mạ xuất hiện rầy lưng trắng trưởng thành với mật độ nơi cao từ 3 – 4 con/m2. Thời gian tới, theo dự báo, rầy sẽ liên tục nở, gia tăng mật độ trên các trà mạ. Bên cạnh đó, Chi cục TT – BVTV đem một số mẫu lúa chét đi xét nghiệm kết quả cho thấy, virút bệnh lùn sọc đen chiếm 26,3% số mẫu. Việc ngay từ đầu vụ mùa xuất hiện rầy lưng trắng trên mạ và virút bệnh lùn sọc đen trên lúa chét dễ gây hại cho mạ, lúa mới cấy, làm thiệt hại năng suất lúa vụ mùa…


Kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn nông dân kỹ thuật gieo mạ phòng tránh bệnh lùn sọc đen.

Theo các cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, thời tiết nắng nóng gay gắt liên tục kéo dài, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh phát triển trên mạ mới gieo cấy. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa tích cực thực hiện các khâu làm đất, gieo mạ, đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ mùa. Việc gieo cấy lệch khung thời vụ cũng là điều kiện thuận lợi cho rầy lưng trắng phát triển. Bên cạnh đó, ở một số địa phương, khâu làm đất chưa kỹ nên lúa chét còn xuất hiện nhiều trên đồng ruộng là nơi trú ẩn của virút mang bệnh lùn sọc đen.

Lý giải nguyên nhân của việc chậm trễ, Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy), Nguyễn Đức Toàn cho biết, hiện nay phần lớn nông dân phụ thuộc vào dịch vụ máy cày trong khi dịp này nhiều nông dân cùng có nhu cầu thuê máy cày để làm đất vụ mùa nên không đáp ứng kịp. Nhiều xã khác phản ánh tiến độ làm đất vụ mùa chậm do vụ xuân năm 2018 kéo dài hơn. Ở một số địa phương, có nhiều nông dân bỏ ruộng, nhiều hộ khác chần chừ, chưa tích cực đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ mùa này.

Quyết tâm bảo vệ năng suất, chất lượng vụ mùa

Thống kê của Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn (NN- PTNT) Hải Phòng cho thấy, năng suất lúa vụ mùa năm 2017 giảm đáng kể, toàn thành phố chỉ đạt hơn 52 tạ/ha, giảm 4 tạ/ha so với vụ mùa năm 2016. Vụ mùa năm 2018, toàn thành phố có kế hoạch gieo cấy 36.300 ha, phấn đấu năng suất đạt 56,6 tạ/ha. Theo Chi cục trưởng Chi cục TT- BVTV Lê Việt Cường, Sở NN – PTNT quyết tâm bảo vệ năng suất, chất lượng vụ mùa năm 2018, tập trung khâu chỉ đạo sản xuất. Phòng, chống bệnh lùn sọc đen phải thực hiện nghiêm túc từ đầu vụ với nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ. Thành phố và các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ kinh phí, chỉ đạo các biện pháp kỹ thuật xử lý bệnh lùn sọc đen. Song các địa phương phải tích cực thực hiện, tránh lãng phí, bảo đảm bệnh lùn sọc đen không phát sinh diện rộng trong vụ mùa này.

Rút kinh nghiệm thiệt hại năng suất vụ mùa 2017 do bệnh lùn sọc đen, Sở NN- PTNT đề nghị thành phố hỗ trợ nông dân kinh phí xử lý hạt giống trước khi bước vào sản xuất. Vụ mùa 2018, thành phố hỗ trợ kinh phí hơn 6 tỷ đồng cho các huyện để xử lý hạt giống và phun trừ rầy cho mạ. Từ giữa tháng, các huyện tiếp nhận xong kinh phí để mua thuốc xử lý hạt giống cấp cho nông dân. Đến đầu tháng, diện tích mạ đã gieo cơ bản được xử lý. Tuy nhiên, trên một số diện tích hạt giống không được xử lý hoặc xử lý chưa đúng kỹ thuật, do địa phương đã cấp thuốc nhưng nông dân có diện tích cấy nhỏ lẻ, lơ là việc này. Vì vậy, để phòng, chống tốt bệnh lùn sọc đen vụ mùa này, một số địa phương chưa gieo mạ xong cần quyết liệt giám sát nông dân thực hiện xử lý hạt giống trước khi gieo mạ. Để xử lý hạt giống hiệu quả hơn, các địa phương nên cấp phát thuốc hoặc kinh phí hỗ trợ cho các HTX, thôn, nhóm gia đình để tổ chức xử lý hạt giống và trừ rầy trên mạ tập trung.

Đặc biệt, vào thời điểm này, các địa phương cần chú trọng đẩy nhanh tiến độ làm đất, bảo đảm khâu làm đất, gieo mạ đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của Sở NN – PTNT. Khâu làm đất phải đúng quy trình cày lồng 2 lần, cày vùi gốc rạ kết hợp ngâm nước cho mục. Sử dụng vôi bột, chế phẩm sinh học giúp phân hủy nhanh gốc rạ, hạn chế phát sinh lúa chét trên đồng ruộng. Các địa phương quyết liệt chỉ đạo các tổ dịch vụ máy làm đất tranh thủ sắp xếp lịch, bảo đảm đáp ứng yêu cầu khung thời vụ của nông dân; tích cực phối hợp với các ngành chức năng tập huấn kỹ thuật, phòng, chống bệnh lùn sọc đen cho nông dân. Khâu gieo mạ đối với mạ dược, mạ dày xúc, mạ nền đất cứng… cần chú ý phun thuốc trừ rầy lưng trắng vào đúng thời điểm bằng các loại thuốc đặc hiệu. Đặc biệt, trước khi đem mạ đi cấy 2 hoặc 3 ngày phải phun thuốc trừ rầy lưng trắng trên toàn bộ diện tích mạ…

An Hương – Báo Hải Phòng 13/7/2018

Tin khác

Hiệu quả mô hình đào tạo kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi trên địa bàn thành phố trong dịp hè

Nghỉ hè là khoảng thời gian lý tưởng để phụ huynh đăng ký cho con…

17/07/2024

Lớp học ở Hải Phòng có 41/48 học sinh đạt trên 9 điểm môn Ngữ Văn

Lớp 12C11 Trường THPT Quang Trung (Hải Phòng) vừa ghi nhận 41/48 học sinh đạt…

17/07/2024

Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng: Tiếp tục lan tỏa tinh thần “Lương y như từ mẫu, Thầy thuốc như mẹ hiền”

Sáng 17/7, Đảng ủy, Ban Giám đốc, Công đoàn Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng…

17/07/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More