Hải Phòng hiện có 13 Khu công nghiệp (KCN) với 449 dự án trong và ngoài nước đang đầu tư gồm nhiều ngành nghề, như: dệt may, giấy, phụ tùng ôtô, hàng điện tử, thiết bị văn phòng, hóa chất đến xăng dầu, khí hóa lỏng… Đây đều là những vật liệu dễ cháy, nếu xảy ra sự cố, không những gây thiệt hại lớn về người, tài sản mà còn rất khó khăn cho triển khai công tác cứu chữa.
Đơn cử, vào hồi 2h42’ ngày 31-3-2017, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại nhà xưởng H1(lô C5-1) của Công ty TNHH Hanmi Flexible Vina – Khu công nghiệp Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương. Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ – CATP đã phải điều động 9 xe chữa cháy chuyên dụng, 1 xe chữa cháy của KCN Tràng Duệ hỗ trợ, nỗ lực trong hơn 5 giờ mới dập tắt lửa, không để đám cháy lan xuống khu vực sản xuất giày da phía dưới và các nhà xưởng lân cận.
Hoặc khoảng 8h ngày 12-1-2018, tại kho sơn của Công ty TNHH Easily nằm trong Cụm công nghiệp Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo lửa bùng lên dữ dội. Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ – CATP huy động 6 xe chữa cháy, 1 xe cứu nạn và một lực lượng lớn để tham gia dập lửa…
Diễn tập PCCC tại Khu Công nghiệp Đình Vũ
Được biết, qua khảo sát, kiểm tra công tác PCCC của những doanh nghiệp tại các Khu, cụm công nghiệp, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ – CATP nhận thấy bên cạnh những cơ sở đã thực hiện đúng quy định của Luật PCCC; việc tổ chức huấn luyện , xây dựng lực lượng PCCC cơ sở được chú trọng, công tác thực tập phương án được duy trì; vẫn còn một số đơn vị tồn tại nhiều vi phạm.
Cụ thể là: công tác lập hồ sơ còn thiếu cập nhật thông tin thường xuyên, công tác bảo quản khó khai thác sử dụng. Nhiều nhà, công trình khoảng cách an toàn PCCC không đảm bảo quy cách. Việc chấp hành các quy định của pháp luật PCCC tại nhiều cơ sở còn mang tính hình thức, chất lượng chưa cao.
Đáng lo ngại, không ít doanh nghiệp khi thay đổi tính chất sử dụng nhà, công trình hoặc cải tạo sửa chữa, xây dựng không thực hiện thẩm duyệt thiết kế về PCCC, không nghiệm thu về PCCC theo luật.
Để quản lý chặt chẽ và giải quyết kịp thời, dứt điểm những tồn tại, thiếu sót, vi phạm các điều kiện an toàn về PCCC trong khu, cụm công nghiệp, thực hiện Kế hoạch của Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ – CATP đã tăng cường kiểm tra, phúc tra, hướng dẫn các biện pháp an toàn PCCC với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định PCCC.
Diễn tập PCCC phối hợp nhiều lực lượng tại Khu Công nghiệp Tràng Duệ. Ảnh Phan Tuấn
Theo lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ – CATP, muốn giảm nguy cơ cháy nổ tại khu, cụm công nghiệp, song song với nỗ lực của lực lượng chuyên ngành, thì việc áp dụng tối đa các biện pháp, giải pháp an toàn về PCCC ngay từ khâu xây dựng ban đầu, đặc biệt là việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC để thực hiện công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC là hết sức quan trọng.
Đây có thể xem là yếu tố đầu tiên để phòng ngừa, giảm thiểu các sự cố cháy, nổ đáng tiếc xảy ra. Muốn vậy, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các Khu kinh tế chỉ cấp phép xây dựng đối với các cơ sở khi thiết kế công trình đã được thẩm duyệt và Công ty TNHH MTV Cấp nước Hải Phòng thiết kế lắp đặt bổ sung các trụ cấp nước chữa cháy trên các trục đường giao thông của KCN theo đúng tiêu chuẩn.
Ngoài ra, Ban quản lý KCN cần chủ động xây dựng phương án PCCC và cứu nạn cứu hộ tại các đơn vị cơ sở của mình; đồng thời đầu tư hạ tầng, trang thiết bị PCCC. Đặc biệt, phải nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC.
Khi xây dựng mới hoặc cải tạo, thay đổi quy mô sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhất thiết phải lập hồ sơ thiết kế và được cơ quan PCCC thẩm duyệt. Các cơ sở không nằm trong quy định phải thẩm duyệt thì chủ doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan PCCC hướng dẫn biện pháp an toàn, trang bị đầy đủ phương tiện PCCC.
MINH PHƯƠNG