Print Thứ Ba, 12/03/2019 08:52

Là địa phương đầu xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố, cũng là địa phương có số lợn nhiễm bệnh lớn nhất, huyện Thủy Nguyên rốt ráo, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy vậy, do nhiều yếu tố khiến bệnh dịch tả lợn châu Phi đang lây lan diện rộng trên địa bàn này.

Công tác kiểm dịch được huyện Thủy Nguyên tập trung cao thực hiện nghiêm ngặt. Trong ảnh: Chốt kiểm dịch tạm thời tại xã Liên Khê.

Khó kiểm soát nguồn lây lan

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Bùi Doãn Nhân, ngay sau khi phát hiện tại bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở thôn 12, xã Chính Mỹ, huyện khẩn trương chỉ đạo tất cả xã, thị trấn trên địa bàn cấp tốc triển khai các biện pháp phòng, ngừa bệnh dịch lây lan. Tuy vậy đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu ngừng lại, tiếp tục có nguy cơ lan rộng.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật huyện Thủy Nguyên đánh giá, có nhiều nguyên nhân khiến bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh và khó lường trên địa bàn. Trước hết, do bệnh dịch không có vắc –xin chữa trị. Thứ hai, với thời tiết mưa ẩm như hiện nay, tại các khu vực tiêu hủy lợn, nguồn vi-rút tồn tại lâu ngoài môi trường, có thể phát tán khiến dịch lây lan nhanh hơn. Cùng với đó, hiện nay khó xác định các nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh dịch để phòng ngừa. Theo phán đoán bước đầu, nguyên nhân gây ra bệnh dịch trên địa bàn có thể từ vi-rút gây bệnh có trong nguồn nước, hoặc phương tiện vận chuyển, hoặc chính từ nguồn thức ăn cám công nghiệp. Việc kiểm soát vận chuyển thức ăn gia súc hoặc vận chuyển lợn từ nơi khác đến, từ vùng dịch ra có thể thực hiện được. Nhưng kiểm soát nguồn cám công nghiệp hoặc nguồn nước là điều không thể. Bên cạnh đó, dịch bệnh lây lan cũng có thể từ chính các chủ cơ sở chăn nuôi và người trong gia đình khi đến các vùng có bệnh dịch. Hiện nay, địa phương khó quản lý và kiểm soát được việc đi lại của các chủ hộ chăn nuôi có lợn dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Cũng từ thực tế tại các xã xảy ra dịch trên địa bàn huyện Thủy Nguyên cho thấy, cán bộ địa phương và hộ chăn nuôi khi xảy ra dịch bệnh cũng còn những hạn chế, lúng túng, bởi bệnh dịch diễn ra quá nhanh với quy mô khá lớn. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ thú y ở các xã mỏng. Ở nhiều xã, dù huy động toàn bộ cán bộ, lãnh đạo tham gia phòng, chống dịch bệnh, vẫn thiếu nhân lực để bảo đảm các khâu.

Nâng cao ý thức của các hộ chăn nuôi

Khó khăn là vậy, nhưng huyện Thủy Nguyên quyết tâm, gắng sức triển khai các biện pháp để hạn chế bệnh dịch lây lan trên diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho ngành chăn nuôi trên địa bàn.

Theo đó, huyện chỉ đạo tập trung công tác phun hóa chất, rắc vôi tiêu độc khử trùng khu vực chung quanh chuồng trại chăn nuôi; thành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên địa bàn, kiểm soát hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ lợn. Riêng tại 14 xã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, huyện yêu cầu thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2 – 3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện nghi bệnh để xác định vi- rút dịch tả lợn châu Phi; thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các đầu mối giao thông ra vào ổ dịch nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra; kiểm tra, thực hiện khử trùng tiêu độc bằng vôi và hóa chất tại các hố tự chôn hủy lợn bệnh của gia đình và khu vực chung quanh vùng ổ dịch. Để bảo đảm các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của huyện, UBND huyện thành lập các đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tại các xã, thị trấn trên địa bàn.

Qua kiểm tra, công tác phòng, chống dịch bệnh cơ bản được thực hiện nghiêm túc. Đến nay, tại 14 xã có dịch bệnh cấp phát hơn 6600 lít hóa chất, 152.500 kg vôi bột để các hộ chăn nuôi tiêu độc, khử trùng khu vực chung quanh chuồng trại. Các xã thành lập 42 chốt kiểm dịch tạm thời trên địa bàn. Huyện ứng kinh phí mua hóa chất phun trừ trực tiếp trong các trại chăn nuôi để phòng, tránh vi –rút xâm nhâp trên đàn lợn khỏe.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Bùi Doãn Nhân, ngoài các biện pháp trên, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung cao độ cho công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống bệnh dịch cho các hộ chăn nuôi và cả những người tiêu dùng. Bởi, qua phân tích số liệu thống kê, phần lớn các hộ có lợn dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô đàn dưới 10 con. Một số ít các hộ có quy mô từ 40 đến 70 con. Trong số hơn 200 hộ trên địa bàn có lợn dương tính với bệnh dịch, có 3 hộ chăn nuôi quy mô đàn hơn 100 con ở xã Kênh Giang và Lưu Kiếm. Điều này cho thấy việc nâng cao ý thức phòng, chống bệnh dịch cho các hộ chăn nuôi, nhất là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải khẩn trương hơn. Bên cạnh đó, đối với người tiêu dùng, nếu không tuyên truyền tốt, có nguy cơ người tiêu dùng không sử dụng thịt lợn. Đây cũng là mối nguy lớn đối với ngành chăn nuôi nói chung, các hộ chăn nuôi nói riêng. Do đó, huyện yêu cầu các xã, thị trấn trích ngân sách dự phòng in, phát tờ rơi tuyên truyền về công tác phòng, chống bệnh dịch đến từng gia đình trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí tuyên truyền, động viên nhân dân trên địa bàn thành phố sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn bảo đảm an toàn từ các cơ sở giết mổ lợn có sự giám sát cán bộ thú y và chính quyền địa phương.

Theo báo cáo của UBND huyện Thủy Nguyên, trong ngày 9-3, trên địa bàn huyện tiếp tục tiêu hủy 137 con lợn của 25 hộ ở các xã Kiền Bái, Thủy Đường, Kênh Giang, Hòa Bình, Liên Khê, Chính Mỹ, Lưu Kiếm.

Từ ngày 22-2 đến 9-3, bệnh dịch xảy ra ở 14 xã trên địa bàn với tổng số lợn dương tính với bệnh dịch tả châu Phi phải tiêu hủy là 3398 con, tổng trọng lượng 183.887 kg. Cho đến nay, xã có số lợn phải tiêu hủy lớn nhất là Kênh Giang với 814 con (tương đương 48.577 kg), sau đó là Liên Khê 773 con (tương đương 41.417 kg), Chính Mỹ 644 con (43.567 kg), Lưu Kiếm 454 con (19.637 kg).

HÀ MINH

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: PHÒNG, CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI:  Huyện Thủy Nguyên tập trung ngăn dịch lây lan
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác