Đô thị

Phòng cháy, chữa cháy mùa hanh khô: Chủ động phòng ngừa từ cơ sở

Từ đầu năm 2019 đến nay, thành phố xảy ra 116 vụ cháy, thiệt hại về tài sản ước tính 136 tỷ đồng. Hiện đang vào mùa hanh khô khiến nguy cơ cháy, nổ trở nên phức tạp. Do đó, nâng cao ý thức phòng cháy của người dân, cơ quan, doanh nghiệp là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn những thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Diễn tập thường xuyên giúp các đơn vị, doanh nghiệp nâng cao kỹ năng PCCC.

604 cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao

Đại tá Hoàng Văn Bình, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC- CNCH) Công an thành phố thông tin: tính riêng trong tháng 9, 10-2019, thành phố xảy ra nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại lớn về tài sản. Điển hình, vụ cháy siêu thị điện máy Hoàng Gia, ở số 11, đường Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền) chiều 25-9. Vụ cháy khiến siêu thị 4 tầng và toàn bộ hàng hóa ước tính giá trị hơn chục tỷ đồng bị thiêu rụi, đổ sập. Còn tính từ tháng 5-2018 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 20 vụ cháy cơ sở sản xuất, kho hàng, gây thiệt hại hơn 120 tỷ đồng. Đáng lo hơn, qua thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC- CNCH, thành phố hiện có 604 cơ sở sản xuất, kinh doanh kho hàng tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao, nằm trong các khu dân cư.

Theo đại tá Bình, trong số nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy trên địa bàn thành phố, sự cố về điện chiếm gần 70% số vụ cháy và là nguy cơ thường trực gây cháy. Cụ thể, tháng 9- 2019, Công an thành phố kiểm tra công tác PCCC- CNCH tại 18 doanh nghiệp trọng điểm trong các khu, cụm công nghiệp, hầu hết doanh nghiệp đều có hạn chế, thiếu sót về đấu nối, vận hành, sử dụng điện. Điển hình, tại Công ty TNHH giấy Phong Đài (Khu Công nghiệp Nomura Hải Phòng), qua kiểm tra, doanh nghiệp bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hóa, phương tiện giao thông và các vật dụng cản trở lối thoát nạn; trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy không đầy đủ theo quy định…, điều khiến cơ quan chức năng lo ngại nhất là hệ thống điện tại doanh nghiệp được đấu nối không đúng kỹ thuật, nhiều thiết bị điện không bảo đảm an toàn. Nhiều người lao động không biết sử dụng, vận hành thiết bị chữa cháy tại chỗ.

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm các quy định về PCCC tại chợ, cơ sở kinh doanh hộ gia đình, nhà hàng, khách sạn phổ biến là: thiếu phương tiện, dụng cụ PCCC, cửa thoát hiểm không đạt chuẩn an toàn, việc sắp xếp hàng hóa không phù hợp, che khuất bình chữa cháy, ngăn cản lối đi; câu móc điện không đúng quy định; thắp hương, đốt vàng mã… do đó nếu người dân lơ là, bất cẩn trong quá trình sử dụng các thiết bị điện, nguồn nhiệt rất dễ xảy ra các sự cố cháy, nổ.

Không chủ quan, lơ là

Phó tổng giám đốc Công ty CP SHINEC Trần Minh Khiêm cho biết, để chủ động phòng ngừa cháy, nổ trong mùa hanh khô, từ đầu năm 2019 đến nay, Ban quản lý khu công nghiệp Nam cầu Kiền phối hợp các doanh nghiệp tổ chức tập huấn nghiệp vụ, cấp chứng chỉ PCCC- CNCH cho 480 lượt người là thành viên, đội trưởng, cán bộ quản lý công tác PCCC tại các doanh nghiệp. Đồng thời, duy trì hoạt động kiểm tra chéo về PCCC giữa các đơn vị, giúp nhau phát hiện, khắc phục hạn chế, thiếu sót, nguy cơ dẫn tới cháy nổ. Tháng 10 vừa qua, Khu công nghiệp tổ chức hội thao kỹ thuật chữa cháy năm 2019 với 100% đơn vị tham gia. “Chỉ khi công tác phòng cháy, chữa cháy được người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị quan tâm phòng ngừa thì nguy cơ cháy, nổ mới giảm” – ông Khiêm nhấn mạnh.

Theo đại tá Hoàng Văn Bình, để cảnh giác với “bà hỏa” trong mùa khô hanh, Phòng cảnh sát PCCC- CNCH chỉ đạo các Đội thực hiện nghiêm các kế hoạch, công điện về bảo đảm an toàn PCCC trên địa bàn; bảo đảm trực ban, duy trì phương tiện hoạt động tốt và sẵn sàng cơ động khi có sự cố. Đối với khu công nghiệp, lực lượng Cảnh sát PCCC- CNCH phối hợp Ban quản lý, doanh nghiệp tổ chức diễn tập nghiệp vụ chữa cháy, CNCH với sự tham gia của nhiều lực lượng. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền về PCCC gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành kiểm tra, nhắc nhở về công tác PCCC và phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” ở cơ sở.

Thiệt hại do cháy, nổ gây ra chỉ có thể hạn chế khi công tác phòng cháy, chữa cháy được chính các chủ cơ sở, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và người dân quan tâm phòng ngừa. Đại tá Phạm Viết Dũng, Phó giám đốc Công an thành phố khuyến cáo: Để chủ động xử lý các tình huống cháy nổ, mỗi gia đình nên trang bị bình chữa cháy xách tay để xử lý nhanh đám cháy khi mới bùng phát; sắp xếp các đồ vật dễ gây cháy, nổ như: bếp gas, bật lửa, bìa cát tông… ở nơi thoáng mát, gọn gàng. Xe máy, ô tô là các phương tiện có sử dụng nhiên liệu xăng, dầu, khi để trong nhà ở phải cách xa bếp gas, tránh xa ổ điện. Khi đốt vàng mã phải trông coi, che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây hỏa hoạn. Đối với các cơ quan, doanh nghiệp cần tăng cường công tác tự kiểm tra, nhanh chóng khắc phục thiết sót về PCCC và nhất là luôn bảo đảm thiết bị điện, máy bơm, các dụng cụ chữa cháy hoạt động. Người dân khi phát hiện đám cháy phải tìm cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc cơ quan công an nơi gần nhất, đồng thời thông báo để mọi người cùng thoát hiểm./.

Văn Cường

Nguồn. Báo Hải Phòng

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More