Print Chủ Nhật, 12/11/2023 21:40 Gốc

Liên tiếp xảy ra các vụ cháy hệ thống thiết bị, chủ yếu là cháy dây dẫn điện và các loại dây cáp viễn thông, truyền hình trên cột điện khiến người dân không khỏi lo ngại. Nhưng để giải bài toán này liên quan đến nhiều ngành cùng chung tay.

Chằng chịt các loại dây trên cột điện

Vụ cháy trên cây cột điện trước cửa số nhà 56/292, phố Hào Khê, phường Kênh Dương, quận Lê Chân xảy ra hơn 1 tháng qua nhưng mỗi khi nhớ lại, bà Nguyễn Thị Năm vẫn chưa hết bàng hoàng. Bà Năm cho biết, khi các hộ dân trong xóm đang chuẩn bị nấu cơm trưa thì nghe thấy tiếng nổ lép bép, điện vụt tắt và có tiếng người hô hoán cháy cột điện. Bà vội chạy ra ngoài, thấy lửa cháy trên cây cột điện, người dân huy động bình chữa cháy xách tay của các gia đình lao đến dập lửa và gọi báo cháy 114. Tại thời điểm xảy ra cháy, mọi người trong xóm vô cùng lo ngại vì cây cột điện sát nhà dân, dễ cháy lan, cháy lớn. Rất may, lực lượng dân phòng kịp thời có mặt, huy động bình chữa cháy từ các điểm chữa cháy công cộng, kịp thời dập tắt đám cháy sau khoảng 15 phút.

Theo thống kê của Công an quận Lê Chân, chỉ hai ngày sau vụ cháy trên, tiếp tục xảy ra cháy thiết bị trên cột điện trên đường Khúc Thừa Dụ 2, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân vào lúc sáng sớm. Rất may, đám cháy được dập tắt kịp thời và gần 1 ngày sau, hệ thống điện trong khu vực mới hoạt động trở lại.

Doanh nghiệp, người dân không tập kết những vật liệu dễ cháy dưới đường dây điện, cột điện, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Phản ánh với Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố về an toàn phòng cháy, chữa cháy khi làm việc với địa phương, Chủ tịch UBND phường Quán Toan (quận Hồng Bàng) Đoàn Văn Hữu cho biết, trên các cột điện không chỉ có hệ thống dây dẫn điện, công tơ điện mà còn có các loại dây khác như dây cáp của các nhà mạng, điện thoại, truyền hình. Nếu xảy ra sự cố chập điện gây ra cháy, rất dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn. Địa phương kiến nghị ngành chức năng yêu cầu các đơn vị cung cấp các loại dịch vụ trên sớm thanh thải các loại dây không còn sử dụng và lâu dài là ngầm hóa để bảo đảm an toàn.

Trách nhiệm của 3 ngành

Số liệu của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an thành phố cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn thành phố xảy ra 8 vụ cháy hệ thống thiết bị trên cây cột điện. Lực lượng Cảnh sát PCCC và người dân kịp thời dập tắt, song ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân quanh khu vực xảy ra cháy. Qua điều tra ban đầu, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy hệ thống thiết bị trên cột điện do quá tải tiêu thụ điện sau công tơ. Việc người dân sử dụng nhiều thiết bị điện trong một thời điểm tiềm ẩn nguy cao cơ chập, cháy dây dẫn điện và các loại dây khác trên cột điện.

Để hạn chế tình trạng chập cháy các thiết bị trên cột điện, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng đang tích cực thực hiện mô hình quản lý 5S gồm: Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng, đồng thời, thường xuyên kiểm tra, thay mới, bảo dưỡng các biến áp, hệ thống dây dẫn, nhất là những trụ điện, cột điện, hệ thống đường dây giáp với nhà dân. Theo Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Văn Kiên từ đầu năm đến nay, Sở yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp thực hiện ngầm hóa cáp ngoại vi viễn thông tại gần 40 tuyến đường, ngõ khu vực trung tâm thành phố phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/11. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc các quận, huyện chỉnh trang các tuyến cáp viễn thông tại các ngõ, ngách tại địa phương. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị như điện lực, viễn thông, truyền hình trong thực hiện ngầm hóa, tránh lãng phí, thực sự góp phần chỉnh trang đô thị, văn minh, an toàn.

Đại tá Hoàng Văn Bình, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an thành phố Hải Phòng khuyến cáo các hộ dân cần thường xuyên tuân thủ các quy định, hướng dẫn về sử dụng điện; lắp thiết bị bảo vệ như cầu chì hoặc áp tô mát cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng nhà, từng nhánh, thiết bị công suất lớn và trước các ổ cắm điện. Người dân không bắn các loại pháo giấy có dây tráng kim loại, thả diều, thả đèn trời, không trồng cây hoặc để cành cây, dây leo vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây điện, trạm biến áp. Khi xảy ra cháy, nổ người dân cần nhanh chóng ngắt nguồn điện báo động mọi người chung quanh và báo ngay Cảnh sát PCCC qua số điện thoại 114 để được hỗ trợ kịp thời. Cùng với việc trang bị, sử dụng thành thạo bình chữa cháy xách tay, mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng ngừa cháy, nổ; sử dụng đúng hoặc hạn chế các loại thiết bị tiêu thụ điện để vừa tiết kiệm điện, vừa bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho gia đình và cộng đồng./.

Bài và Ảnh: Lê Oanh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Phòng cháy các thiết bị trên cột điện
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác