Print Thứ Năm, 16/01/2020 17:43 Gốc

Viêm đường hô hấp, cúm và tiêu chảy cấp là những bệnh thường gặp ở trẻ trong thời điểm giao mùa Đông Xuân. Phóng viên Báo Hải Phòng có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Yến, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng về cách phòng và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ…

– Những bệnh lý mà trẻ thường gặp vào thời điểm giao mùa Đông Xuân là gì, thưa bác sĩ?

– Thời điểm giao mùa Đông Xuân với nền nhiệt độ thấp, độ ẩm cao là điều kiện lý tưởng cho vi sinh vật phát triển, kéo theo các bệnh thường gặp ở trẻ là viêm đường hô hấp trên và dưới, cúm và tiêu chảy cấp… Theo thống kê, trong tháng 12-2019, số trẻ đến khám cúm tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng là 2.992 lượt, số trẻ nhập viện là 1.301 trẻ, tăng gấp 6 lần so với tháng 11-2019. Đối với bệnh tiêu chảy cấp, số trẻ đến khám là 508 lượt, số trẻ nhập viện là 253 trẻ, tăng gấp 3 lần so với tháng 11-2019. Đối với bệnh viêm phổi, số trẻ đến khám là 2.109 lượt, số trẻ nhập viện là 1.046 trẻ, tăng gấp 4 lần so với tháng 11-2019…

Bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng chăm sóc trẻ em đang điều trị cúm mùa. Ảnh: Đỗ Hiền.

– Bệnh cúm mùa đang diễn biến phức tạp với số trẻ mắc và điều trị tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2018. Bác sĩ cho biết dấu hiệu nhận biết bệnh cúm mùa?

– Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Năm nay, phổ biến là virus cúm A với số trẻ mắc chiếm đến 80%. Đặc biệt, do tình trạng ô nhiễm khói, bụi thời gian qua khiến cúm mùa xuất hiện ngay đầu tháng 12-2019, sớm hơn 1 tháng so với mọi năm. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, cúm A thường dễ gây biến chứng, bội nhiễm như viêm mũi họng cấp, viêm tai giữa, phế quản phổi. Với trẻ có thể trạng yếu, bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và gây tử vong.

– Bác sĩ có lời khuyên gì để phòng và điều trị bệnh cúm mùa ở trẻ?

– Bệnh cúm mùa có thể được phòng ngừa ngay từ sớm bằng biện pháp dự phòng hiệu quả nhất là tiêm vắc xin cúm mùa. Ngoài ra, bố mẹ nên cho trẻ súc họng bằng nước muối, nước súc miệng ngày 2 lần, nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý 0,9%, dùng khẩu trang 1 lần và thay hằng ngày, bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Đặc biệt, hạn chế để trẻ tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

– Vậy các bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm gì?

– Các bệnh đường hô hấp trên và dưới hay gặp nhất ở trẻ vào mùa Đông Xuân là viêm mũi xuất tiết, viêm họng cấp, viêm VA (Vegetation Adenoide), viêm amiđan cấp hoặc hốc mủ, viêm xoang, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi… Các triệu chứng thông thường là sốt, chảy nước mũi, ngạt mũi, ho, nhiều đờm… Nếu các triệu trứng đó không được xử lý kịp thời có nguy cơ mắc hen suyễn, gây bất lợi cho sức khỏe của trẻ như gây thở khó, hạn chế việc ăn uống hoặc bú mẹ, đôi khi có thể làm nhiễm trùng huyết dẫn tới nguy hiểm đến tính mạng. Hằng năm có khoảng 4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị tử vong vì nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, chủ yếu là do viêm phổi.

– Làm thế nào để phòng bệnh đường hô hấp giúp trẻ không gặp biến chứng, thưa bác sĩ?

– Các bệnh đường hô hấp tuy gây biến chứng nguy hiểm nhưng nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và có các biện pháp phòng bệnh đúng cách sẽ giúp trẻ nhanh bình phục. Do vậy, việc phòng bệnh cho trẻ là rất quan trọng. Cha mẹ cần mặc đủ ấm cho trẻ khi đi đường, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, tránh các nơi có khí than, khói bụi, khói thuốc lá… Đối với trẻ có triệu chứng như ho, chảy nước mũi, sốt nhẹ…, có thể điều trị bằng các vị thuốc tự nhiên như lá húng chanh, lá xương xông, bạc hà, chanh đào, quả quất… Khi trẻ sốt cao trên 39 độ nên cho trẻ điều trị tại cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị hiệu quả.

– Còn nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy thì sao, thưa bác sĩ?

– Bệnh tiêu chảy có 2 loại là tiêu chảy thường và tiêu chảy cấp. Bệnh tiêu chảy cấp có thể do vi khuẩn, do vi nấm, do ký sinh trùng hoặc do nhóm virus đường ruột, đặc biệt là virus Rota. Bệnh tiêu chảy do virus Rota có thể gặp quanh năm nhưng thường gặp nhất vẫn là mùa Đông Xuân. Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, dễ gây thành dịch, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu là do ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, thức ăn nguội hoặc chưa đủ ấm… dẫn đến các chứng trướng bụng, đau bụng, đầy bụng, tiêu chảy ở trẻ em.

– Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên cha mẹ nên làm gì để phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ?

– Đối với các triệu trứng trên có thể điều trị bằng lá hoắc hương, lá tía tô, lá ổi… Cho trẻ ăn đủ về lượng và chất cũng như ăn các loại quả có nhiều vitamin C. Đặc biệt, không nên cho bé ăn các thức ăn mang tính tanh, lạnh, đồng thời phải giữ ấm cho trẻ, nhất là vùng bụng.

– Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Nguyên Nguyên thực hiện/Theo Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Phòng bệnh giao mùa ở trẻ: Không để bùng phát, lây lan thành dịch
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác