Năm 2017, có 331 nội dung liên quan đến công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được đưa vào các bản thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, tăng 105 nội dung so với năm 2016.
Cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng đơn vị
Công đoàn Công ty Cổ phần cáp điện và hệ thống LS Vina giám sát thực hiện nội dung liên quan đến ATVSLĐ trong thỏa ước lao động tập thể.
Là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp nặng, Công ty Cổ phần cáp điện và hệ thống LS Vina coi trọng vấn đề bảo đảm ATVSLĐ. Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty Đỗ Ngọc Tháp, ngoài những chế độ bảo hộ lao động, các biện pháp an toàn lao động và các quy định tiêu chuẩn ATVSLĐ và môi trường theo đúng quy định của nhà nước, công đoàn xây dựng một số nội dung liên quan đến công tác bảo đảm ATVSLĐ dựa trên tình hình thực tế, đặc thù sản xuất tại doanh nghiệp vào thỏa ước lao động tập thể. Cụ thể, trong thỏa ước lao động tập thể mới nhất được ký kết gần đây, có 3 nội dung liên quan đến công tác ATVSLĐ: “hằng năm, người lao động được cấp phát 2 bộ đồng phục (một bộ mùa đông, một bộ mùa hè), 1 mũ bảo hộ, 1 đôi giầy, găng tay bảo hộ và khám sức khoẻ định kỳ theo quy định của pháp luật lao động. Công ty bảo đảm cho công nhân ăn uống tại công ty sạch sẽ, hợp vệ sinh an toàn thực phẩm; nơi ăn nghỉ trưa cho công nhân bảo đảm thoáng, mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông (công đoàn công ty thường xuyên kiểm tra, giám sát và phản ánh những bất cập trong quá trình thực hiện tới lãnh đạo công ty để khắc phục kịp thời). Khi người lao động trong tình trạng sức khoẻ yếu không thể tiếp tục làm việc, công ty bố trí tạm nghỉ dưỡng tại phòng y tế; thời gian nghỉ ngơi nhiều nhất là 2 giờ/lần và không khấu trừ vào tiền lương hằng tháng…”. “Hiện nay, những nội dung này vẫn được thực hiện tốt, môi trường làm việc được cải thiện đáng kể, không để xảy ra tai nạn lao động, người lao động yên tâm làm việc. Công đoàn công ty đang chuẩn bị xây dựng, thương lượng nội dung thỏa ước lao động tập thể mới dự kiến ký kết vào tháng 6-2018. Trong đó, ngoài những nội dung liên quan đến ATVSLĐ được quy định trong thỏa ước cũ, chúng tôi bổ sung một số điều khoản như tăng định mức bữa ăn ca, phụ cấp độc hại cho người lao động….” – anh Tháp cho biết.
Ngoài những nội dung liên quan đến phúc lợi, phụ cấp, chế độ người lao động, Ban chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Ojitec Việt Nam (Khu công nghiệp Nomura) quan tâm, đưa nội dung liên quan đến ATVSLĐ vào thỏa ước lao động tập thể. Trong đó, tập trung vào 2 nội dung chính là cải thiện môi trường làm việc và chăm lo sức khỏe người lao động. “Sau khi thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực, công ty quan tâm, tạo môi trường làm việc xanh – sạch – đẹp, an toàn cho người lao động. Cụ thể, tiếng ồn tại máy in và ánh sáng tại công đoạn hoàn thiện được cải thiện. Công ty thực hiện chế độ phụ cấp nắng nóng mùa hè cho người lao động 4 tháng/năm (từ tháng 5 đến hết tháng 8), thay vì 2 tháng như trước đây… Công nhân làm việc tiếp xúc với hóa chất được đi học tập, đào tạo để giữ an toàn cho bản thân và môi trường chung quanh….” – Chủ tịch Công đoàn công ty Đỗ Quý Minh cho biết.
Tăng cường giám sát các nội dung liên quan đến ATVSLĐ
Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hoàng Đình Long, ATVSLĐ là một trong 6 nội dung chủ yếu của thoả ước lao động tập thể được quy định tại khoản 2 Điều 46 của Bộ Luật Lao động. Năm 2017, có 331 nội dung liên quan đến công tác bảo đảm ATVSLĐ, nâng cao chế độ cho người lao động được đưa vào các bản thỏa ước lao động tập thể ký mới, ký lại như tăng định mức suất ăn ca đêm, tăng thời gian nghỉ giữa ca, quy định hằng tháng công đoàn doanh nghiệp cùng phòng an toàn lao động kiểm tra ATVSLĐ tại từng tổ sản xuất, tăng định mức cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân; tăng phụ cấp cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên.
Mặc dù năm 2017, số lượng nội dung liên quan đến công tác bảo đảm ATVSLĐ được đưa vào các bản thỏa ước lao động tập thể tăng 105 nội dung so với năm 2016 nhưng so với tổng số đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố còn ít. Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp, nhận thức của người sử dụng lao động về ATVSLĐ còn hạn chế, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông, khu công nghiệp. Công tác phối hợp giữa công đoàn và chuyên môn đồng cấp ở một số đơn vị chưa đồng bộ, thiếu kỹ năng trong thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể nói chung và xây dựng nội dung, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ nói riêng.
Năm 2018 và những năm tiếp theo, các cấp công đoàn thành phố tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, các quy chế quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Các cấp công đoàn và cán bộ công đoàn cơ sở chú trọng nâng cao chất lượng việc thương lượng, ký kết các bản thỏa ước lao động tập thể, trong đó có các điều khoản về ATVSLĐ sao cho phù hợp với đặc thù công việc của từng doanh nghiệp; tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động về các vấn đề ATVSLĐ. Bên cạnh đó, giám sát thực hiện nội dung thỏa ước lao động tập thể nói chung và các nội dung liên quan đến ATVSLĐ nói riêng, kịp thời phát hiện sai phạm để giải quyết thông qua đối thoại định kỳ, đối thoại đột xuất…
(Nhật Nam – Báo Hải Phòng 26/03/2018)
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More