Còn tình trạng “bắt cóc, bỏ đĩa”
Thời điểm cuối năm, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ cận kề, tình trạng người lang thang xin tiền ở các vườn hoa, công viên, cơ sở thờ tự Phật giáo có khả năng tái diễn. Đại úy Lê Thành Trung, cán bộ Đội Cảnh sát trật tự (Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thành phố) thông tin, không ít trường hợp người lang thang, ăn xin nghiện ma túy, nhiễm HIV nên tâm lý bất ổn, bất cần, sẵn sàng có hành vi chống lại lực lượng làm nhiệm vụ như: hô hoán bị cướp, rồi dùng kim tiêm dọa lây nhiễm bệnh… Cán bộ vừa giải thích, thuyết phục, vừa có biện pháp cưỡng chế đưa vào các cơ sở chăm sóc, bảo trợ xã hội, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, lực lượng công an phát hiện có trường hợp vài tháng sau tái diễn lang thang, ăn xin.
Theo quy định, các cơ sở bảo trợ xã hội sau thời gian xác minh rõ nhân thân, địa chỉ cư trú sẽ bàn giao người lang thang về địa phương. Giám đốc Trường Lao động Xã hội Thanh Xuân Phạm Thị Thu Hiền cho biết: “Sau khi tiếp nhận đối tượng người lang thang từ đơn vị làm công tác tập trung, Trường thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng tạm thời tại đơn vị trong thời gian tối đa không quá 3 tháng (thời gian này không gồm thời gian người lang thang được điều trị hoặc chữa bệnh tại các bệnh viện chuyên khoa…). Sau đó, trường tiến hành phân loại, xác minh nhân thân để người lang thang tự trở về cộng đồng tìm việc làm, tự nuôi dưỡng bản thân hoặc lập hồ sơ đề nghị cơ sở trợ giúp xã hội tiếp nhận nuôi dưỡng, tập trung“.
Tuy nhiên, do không có việc làm, thu nhập, không có người thân giúp đỡ, nên một số người tiếp tục lang thang, xin tiền. Thậm chí, không ít trẻ em, người tàn tật, bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ tham gia các hoạt động xin tiền có tổ chức để trục lợi. Bà Trần Thị H., 68 tuổi, phường Đông Hải, quận Lê Chân cho biết: Bà được thu gom, nuôi dưỡng tập trung tại Trường Lao động-Xã hội Thanh Xuân không dưới 3 lần. Nhưng mỗi lần trở lại cộng đồng, bà H. không tìm được công việc phù hợp bản thân để có thu nhập. Do đó, bà H. lại mặc những bộ quần áo bạc màu, rách rưới, thường đứng ở khu vực ngã ba, ngã tư, len lỏi trong hàng người dừng chờ đèn đỏ, tham gia giao thông, tiếp tục con đường “mưu sinh” cũ. Bà H. cũng có đôi lần bị xe máy va quệt do thiếu quan sát, vội tràn xuống lòng đường để xin tiền.
Vận động đi đôi hỗ trợ
Để giảm thiểu, ngăn ngừa tình trạng người lang thang, xin tiền trên phố, xây dựng thành phố du lịch an toàn, văn minh, hiện đại giải pháp tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, tự giác chấp hành mang ý nghĩa then chốt, quyết định. Theo Trung tá Lương Quang Tụ, Phó trưởng Công an thị trấn Núi Đèo (huyện Thuỷ Nguyên), nắm tình hình, phòng ngừa từ cơ sở, Công an các quận, huyện tích cực tham mưu cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp tuyên truyền đến từng tổ dân phố, khu dân cư, các tổ chức chính trị, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về quản lý người thân, con, em, không để tình trạng bỏ nhà, lang thang. Đồng thời, lực lượng tăng cường tuần tra, chốt điểm trên các tuyến đường, kịp thời phát hiện những trường hợp người người lang thang xin tiền, thông báo tới Tổ thường trực xử lý người lang thang thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để tiếp nhận, xử lý theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Tháng 6 vừa qua, Công an thành phố ban hành Công văn đôn đốc Công an các địa phương rà soát, giải quyết dứt điểm các trường hợp công dân vắng mặt tại nơi đăng ký không rõ nơi đến, hành nghề ăn xin-lang thang, đồng thời hướng dẫn Công an các quận, huyện về quy trình tập trung người ăn xin, người lang thang và tổng hợp báo cáo Giám đốc Công an thành phố kết quả xử lý trước ngày 15 hằng tháng.
Theo Phó chủ tịch Hội Từ thiện thành phố Phạm Thị Vượng, sau khi tập hợp các trường hợp lang thang, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cần thông tin kịp thời, phối hợp địa phương để có hướng giải quyết cụ thể. Với các trường hợp trong độ tuổi lao động và có người thân bảo lãnh thì hỗ trợ hướng nghiệp, dạy nghề, hỗ trợ việc làm thời vụ, nhất là tuyên truyền để họ ý thức, tự vươn lên. Mặt khác, các địa phương quan tâm thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, nhà tài trợ để có thêm điều kiện giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật, người neo đơn tại địa phương.
Cùng với đó, các trường hợp khuyết tật, neo đơn cần được thông tin về những công việc thời vụ, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng để tiếp cận sinh kế. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Phòng (thuộc Sở Lao độngThương binh và Xã hội) Tăng Tiến Sơn thông tin, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục khảo sát nhu cầu tuyển, sử dụng lao động của các đơn vị, sản xuất kinh doanh và tăng cường thông tin về các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động khuyết tật tới các tổ chức đoàn thể, xã hội… Từ đó, để giới thiệu tới các trường hợp khuyết tật, tàn tật ở địa phương đến học nghề. Đồng thời, Trung tâm phối hợp chính quyền địa phương tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, chú ý giới thiệu, bảo lãnh những trường hợp khuyết tật nhẹ, bảo đảm điều kiện sức khỏe được làm việc tại doanh nghiệp.
Bài và ảnh: HUY ĐẠI
Sáng 27/11, UBND quận Ngô Quyền phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý…
Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc…
Sáng 27/11, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Tiệp, Liên đoàn Lao…
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 8726/VPCP-KGVX ngày 26/11/2024 truyền đạt ý…
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch…
Chiều 26/11, Công an huyện Vĩnh Bảo thông tin, sáng 26/11, khách hàng Nguyễn Quốc…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More