Print Thứ Năm, 20/06/2019 15:23

Sáng 20/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và đoàn công tác cùng đại diện một số Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp (DN) đã làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng về tình hình thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến năm 2021. Dự hội nghị phía thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố và lãnh đạo các Sở, ban, ngành thành phố.

Buổi làm việc sáng nay của Phó Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo thành phố Hải Phòng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo đề nghị đại diện các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, chính quyền thành phố Hải Phòng cần phân tích rõ những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 02, cũng như kinh nghiệm được rút ra.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng báo cáo tới Phó Thủ tướng và đoàn công tác sau khi Nghị quyết 02 được ban hành, UBND thành phố đã sớm ban hành kế hoạch hành động, thực hiện chế độ thông tin báo cáo về kết quả triển khai. Các sở, ngành, UBND các quận, huyện đã thực thi đầy đủ điều kiện kinh doanh đã bị bãi bỏ, những nội dung được đơn giản hóa của các quy định về điều kiện kinh doanh, không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật, các thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa về số lượng giấy tờ và rút ngắn thời gian so với quy định.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng phát biểu tại hội nghị.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập mới qua mạng chiếm tỷ lệ 88,69% số hồ sơ. Sở Khoa học và Công nghệ vận hành, sử dụng có hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 với 40/40 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, đạt tỷ lệ 100%. Thanh tra thành phố đã nâng cấp và triển khai phần mềm “Hệ thống quản lý kế hoạch thanh tra, kiểm tra trên địa bàn thành phố”, chủ trì, thống nhất với các cơ quan liên quan trong việc chủ trì, phối hợp việc triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Có 37 cơ quan đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra 3.795 lượt DN, số DN không bị trùng các cơ quan thanh tra, kiểm tra là 3.293 lượt. Cục Hải quan Hải Phòng đã triển khai kết nối hệ thống VASSCM (quản lý hải quan tự động tại cảng biển) đối với tất cả 36 kho ngoại quan thuộc địa bàn quản lý.

Tính từ tháng 9/2016 đến nay, UBND thành phố Hải Phòng đã tổ chức 30 hội nghị đối thoại DN, đã có 190/282 kiến nghị được giải quyết triệt để (chiếm 67,38%), 92/282 kiến nghị (chiếm 32,62%) đang được UBND thành phố và các sở, ngành, địa phương giải quyết. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, UBND thành phố Hải Phòng đã tổ chức 5 kỳ hội nghị đối thoại DN, đã có 12/20 kiến nghị được giải quyết triệt để (chiếm 60,00%), 8/12 kiến nghị đang giải quyết (chiếm 40,00%).

Các trường học trên địa bàn thành phố đã thực hiện thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt phần lớn các nội dung thanh toán. Điện lực Hải Phòng đã thực hiện triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với toàn bộ khách hàng và tỷ lệ sử dụng đạt 45,4%, Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng đã thực hiện thanh toán tiền nước qua 9 nhà cung cấp dịch vụ trung gian với 20.557 khách hàng, đạt tỷ lệ 6,6%, giá trị thanh toán đạt 29% tổng doanh thu tiền nước… Đến hết tháng 5/2019, toàn thành phố có 25.112 người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản ATM, chiếm tỷ lệ 16,6%.

Thành phố Hải Phòng đã nỗ lực thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp giảm thời gian đi lại và chi phí, tỷ lệ cấp đăng ký kinh doanh qua mạng, khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt tỷ lệ cao, các giao dịch điện tử như nộp tiền điện, nước qua mạng được các doanh nghiệp triển khai đẩy mạnh.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cũng nêu thực tế, hiện nhiều Bộ, ngành triển khai các dịch vụ công trực tuyến theo ngành dọc, do vậy nhiều Sở, ngành, địa phương phải vận hành song song cả hệ thống của thành phố, dẫn đến khối lượng công việc tăng như Sở Tài chính, Tư pháp, Giao thông vận tải, Sở Y tế… Đáng chú ý, số lượng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 của Hải Phòng còn rất thấp, mới đạt 59/1.889 dịch vụ thuộc thẩm quyền cả 3 cấp, trong đó cấp thành phố là 1.504 thủ tục, trong khi đó đến trước tháng 12/2019 phải có 30% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Hạ tầng công nghệ thông tin của một số huyện còn hạn chế; việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện dịch vụ công trực tuyến của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng như DN hoạt động tại Hải Phòng cũng phản ánh những bất cập trong các hoạt động thủ tục kiểm tra chuyên ngành, nhập khẩu một số mặt hàng, hoạt động vận tải, logistics…

Đại diện doanh nghiệp dệt may chia sẻ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp

Tại Hội nghị sáng nay, Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo thành phố Hải Phòng còn lắng nghe những khó khăn, vướng mắc tồn tại của các doanh nghiệp: những khó khăn về điều kiện sản xuất kinh doanh của Công ty xuất khẩu đồ hộp Hạ Long; vấn đề về xây dựng các quy trình xuất, nhập khẩu hải sản; kiến nghị về việc thu thuế vận chuyển hàng hóa qua cảng của các DN sản xuất, chế biến thủy sản; đề nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương quan tâm siết chặt quản lý vận tải hàng hóa, kiểm soát các bến thủy nội địa; đề nghị Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chở quá tải trên đường tiến tới xử lý chủ doanh nghiệp, chủ hàng nhằm tạo công bằng cho các doanh nghiệp vận tải.

Doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đến phí bảo trì đường bộ tránh hiện tượng phí chồng phí; đề nghị Chính phủ quan tâm xây dựng các hạ tầng giao thông kết nối giữa thành phố Hải Phòng với các tỉnh, thành lân cận, điển hình đường QL 5 thường xuyên quá tải; quan tâm thêm kết nối đường sắt với cảng quốc tế Lạch Huyện; quan tâm đến việc phát triển đường thủy nội địa. Chính phủ cần nghiên cứu chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải có chính sách nghiên cứu, định hướng, dự báo cho các doanh nghiệp vận tải. Việc được hoàn thuế VAT cho máy móc của các doanh nghiệp dệt may rất khó khăn…

Phát biểu của Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành khẳng định việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã đạt được những kết quả tốt, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, theo nhận xét đánh giá của các đại biểu đây là lĩnh vực còn rất khó khăn, kết quả đạt được còn rất khiêm tốn. Qua quá trình điều hành thành phố, Bí thư Lê Văn Thành khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh rất rộng, trải trên các lĩnh vực; hạ tầng giao thông kết nối cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp; phẩm chất năng lực đội ngũ của cán bộ là rất quan trọng trong việc triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP. Bí thư Thành ủy cũng ghi nhận các ý kiến của các doanh nghiệp và trực tiếp trả lời các vấn đề của doanh nghiệp phản ánh.

Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành khẳng định thành phố luôn sẵn sàng hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành chia sẻ với Phó Thủ tướng và đoàn công tác: với việc sản lượng hàng hóa của thành phố tăng mạnh những năm gần đây cần phải đẩy mạnh vào đầu tư hạ tầng giao thông và phân luồng giao thông, từng bước hiện đại hóa. Bí thư Thành ủy Hải Phòng kiến nghị với Chính phủ cần phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương để các địa phương có thể triển khai nhanh các công trình lớn, các dự án đầu tư lớn nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định những thành công, những kết quả của thành phố Hải Phòng đạt được trong năm qua là rất tốt, rất đáng ghi nhận. Phó Thủ tướng chia sẻ: chuyến thăm và làm việc tại Hải Phòng về tình hình triển khai thực tế Nghị quyết 02/NQ-CP, với việc cắt, giảm bớt các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành về xuất, nhập khẩu theo tinh thần của Nghị quyết Chính phủ là nhằm tạo điều kiện thông thoáng hơn cho doanh nghiệp, bảo vệ cho người tiêu dùng, đồng thời tiếp tục bổ sung một số nội dung mới vào cải cách thủ tục hành chính.

Phó Thủ tướng đề nghị phía đoàn TW qua những lần đi làm việc thực tế cần ghi nhận các ý kiến của địa phương, doanh nghiệp và tìm ra những phương pháp giải quyết, đề xuất cơ chế chính sách cụ thể kiến nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết. Các Bộ, ngành TW phải xác định rõ trách nhiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết, cần phải đảm bảo một mặt tăng các chỉ số xếp hạng quốc tế, mặt khác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu kết luận hội nghị.

“Các cơ chế, chính sách phải thật thiết thực, thật cụ thể, đi đến cùng và kịp thời để người dân và doanh nghiệp thấy môi trường đầu tư kinh doanh ngày một tốt hơn, người dân trong giao tiếp với chính quyền thuận lợi hơn” – Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu.

Nguồn. haiphong.gov.vn

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP tại Hải Phòng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác